Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, nhưng NATO vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Giữa lúc chiến sự Nga – Ukraine đang bắt đầu căng thẳng, NATO vẫn chưa thể quyết định ai sẽ là tân Tổng thư ký thay thế ông Jens Stoltenberg – người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 9 này. Vị trí lãnh đạo khối NATO đang ngày trở nên quan trọng và đòi hỏi nhiều yêu cầu giữa bối cảnh an ninh phức tạp giữa Nga và châu Âu, nhưng đó cũng là lý do khiến hàng loạt ứng cử viên ngần ngại.

Sự bối rối của Mỹ

Suốt nhiều tháng qua, tranh cãi về tiêu chí và danh sách các ứng viên cho vị trí này là một đề tài sôi động ở châu Âu. Nhiều ý kiến đã được đưa lên và đặt xuống, nhưng đáng ngạc nhiên, Mỹ – nhà lãnh đạo khối liên minh – hầu như vẫn giữ im lặng.

Nhà Trắng không thể đề cử một người Mỹ vào vị trí vốn truyền thống được dành cho người châu Âu, trong khi khối NATO phải đối mặt với nhiều thách thức – đòi hỏi nhà lãnh đạo mới phải hội tụ nhiều yếu tố để giải quyết.

Theo các chuyên gia, sự im lặng của Mỹ cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn “bối rối” trước câu hỏi này. Sự ủng hộ của Nhà Trắng là một yếu tố quyết định, dù chức vụ người đứng đầu NATO lâu nay được lựa chọn theo sự đồng thuận về mặt kỹ thuật.

Do đó, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Washington khi thời điểm hội nghị thượng đỉnh hàng năm của NATO vào tháng 7 được tổ chức – hạn chót để liên minh đưa ra quyết định về nhà lãnh đạo tiếp theo.

Danh sách tiềm năng ít ỏi

Trong giới ngoại giao châu Âu, hai ứng cử viên được nhắc đến nhiều nhất những ngày gần đây là Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace.

NATO chỉ có một số ít ứng cử viên có thể thay thế ông Jens Stolenberg

Bà Frederiksen đã gặp ông Biden tại Nhà Trắng vào tuần trước, làm gia tăng những đồn đoán về việc bà sẽ trở thành tân Tổng thư ký NATO. Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Đan Mạch dường như có đủ các yếu tố cần có để lãnh đạo liên minh quân sự.

Là một nữ lãnh đạo đến từ một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, bà Frederiksen ủng hộ Ukraine một cách mạnh mẽ, nhưng không phải là người theo đuổi trường phái quá “diều hâu” – điều cần thiết để châu Âu không vướng vào căng thẳng leo thang với Nga.

Dù vậy, bản thân Thủ tướng Đan Mạch cũng không nhiệt tình trước triển vọng này. Sau cuộc gặp ở Mỹ, bà Frederiksen nói “tôi không phải là ứng cử viên cho bất kỳ công việc nào khác ngoài công việc hiện tại của tôi và điều này không thay đổi sau cuộc gặp của tôi với Tổng thống Mỹ”.

Chưa kể, Đan Mạch nhiều khả năng sẽ vướng phải khúc mắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu năm nay, hai nước đã xảy ra căng thẳng sau khi một nhóm cực hữu đốt một cuốn kinh Koran và cờ Thổ Nhĩ Kỳ ở Copenhagen.

Ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace dường như rất quan tâm đến công việc tại NATO. Vấn đề ở chỗ không nhiều quốc gia EU muốn thấy một nhà lãnh đạo đến từ quốc gia vừa từ bỏ khối ít lâu.

Một số cái tên khác – bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và nhà lãnh đạo Tây Ban Nha Pedro Sánchez – thỉnh thoảng vẫn được nhắc đến, mặc dù ít thường xuyên hơn. Nhưng chưa có cái tên nào vượt trội hẳn so với những người được nhắm tới. Đó là lý do không ít nhà ngoại giao đề xuất gia hạn thời gian nắm quyền của ông Jens Stoltenberg.

Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO tiết lộ cho Politico rằng, một kịch bản “rất có thể” diễn ra là một giai đoạn gia hạn ngắn cho ông Stoltenberg cho tới khi có thêm ứng cử viên.

Ứng cử viên tiềm năng mà nhiều nước trông đợi có thể là đương kim Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen. Chính trị gia người Đức đến từ một cường quốc trong khối, có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực quân sự – khi bà từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức, đồng thời có đường lối phù hợp với mong muốn của NATO hiện nay. Vấn đề là NATO sẽ phải chờ bà Leyen đến cuối năm 2024 khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch EC.

Bản thân ông Stolenberg cũng từ chối khả năng ở lại thêm một thời gian. Tổng Thư ký NATO đã nhiều lần nói rằng ông đã làm đủ lâu (8 năm) và sẽ có kế hoạch trở về Na Uy, nơi ông từng làm Thủ tướng.

Chiến sự Nga – Ukraine là một thách thức lớn chờ đón tân Tổng thư ký NATO.

Thách thức lớn chờ đón

Một lý do khác khiến nhiều chính khách e ngại vị trí lãnh đạo NATO, đó là bối cảnh an ninh châu Âu đang diễn biến ngày một phức tạp.

Tổng thư ký mới của NATO sẽ phải giải quyết một loạt các bài toán khó. Trước hết là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh là nguồn cơn cho nhiều xích mích của NATO. Nhà lãnh đạo mới sẽ phải tìm ra cách để các đồng minh duy trì đoàn kết trong việc ủng hộ Kiev, trong khi vẫn phải giành thêm nguồn lực để tăng cường năng lực quốc phòng.

Chưa kể, những động thái gần đây cho thấy liên minh quân sự đang dần hướng mắt đến Trung Quốc. NATO thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định đầy đủ mối quan hệ của mình với Bắc Kinh và Tổng thư ký tiếp theo sẽ cần phát triển một chiến lược đủ hiệu quả để đối phó với cường quốc đang lên này.

Trường Đặng