Để khởi nghiệp công nghệ thành công cần có lộ trình đào tạo các tài năng từ sớm. Nếu làm tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Vài năm gần đây, khái niệm khởi nghiệp công nghệ (khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ) trở nên phổ biến. Nhiều startup đã định hình được tên tuổi trong khu vực. Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), để khởi nghiệp công nghệ thành công cần có sự đào tạo bài bản các tài năng từ sớm.
Hiện tại, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang chiếm tỷ lệ cao ở Việt Nam nên việc đào tạo về lập trình là cần thiết, đặc biệt là đối với các bạn trẻ, để từ đó, các bạn trẻ có môi trường tiếp xúc, làm quen với công nghệ và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong học tập, làm việc.
“Khởi nghiệp cần gắn với đột phá, không chỉ là câu chuyện lập nghiệp. Muốn đột phá thì các bạn cần phải có tư duy, quá trình đào tạo. Hiện tại, Việt Nam đang là điểm đến về công nghệ ở Đông Nam Á, nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực, công nghệ, nước ta có thể cạnh tranh với Singapore, Indonesia trong tương lai” ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, những năm gần đây, Chính phủ rất chú trọng, ủng hộ việc phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, chúng ta cần có thêm nhiều đơn vị triển khai, thực hiện và hướng theo quy chuẩn đang được áp dụng ở các quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ.
Nêu ví dụ, ông Hoài cho biết, ở Việt Nam đang có sáng kiến thư viện công nghệ STEAM Hub. Thông qua đó, các học sinh trên cả nước có thể tiếp cận những kiến thức tân tiến, thiết bị hiện đại và học lập trình ngay từ trên ghế nhà trường.
Nói thêm về dự án, bà Trần Phương Thảo, Giám đốc vận hành của STEAM for Vietnam cho biết, STEAM Hub ra đời sẽ giúp trẻ em Việt Nam có thể tiếp xúc với internet, steam (lập trình) từ sớm thông qua các khóa học miễn phí. Để từ đó, các em học sinh sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về những kiến thức steam.
Ông Trần Việt Hùng, nhà sáng lập STEAM for Vietnam, cho rằng: “Với các bạn đam mê công nghệ, lập trình, robotics thì dự án có những lớp học sâu, cao cấp hơn. Để sau này các bạn có thể phát triển kỹ năng, ứng dụng vào cuộc sống. Chúng tôi không hướng các bạn làm phần mềm xuất khẩu mà hướng các bạn trở thành những kỹ sư”.
Theo ông Hùng, làm phần mềm xuất khẩu không thể trở thành một nền kinh tế vì các tập đoàn, công ty công nghệ lớn không ai đi làm vậy mà họ tạo ra các sản phẩm công nghệ.
Theo Dân Trí