Bây giờ, Messi không còn phải trân trân nhìn chiếc Cúp vàng như đã từng trong lễ trao huy chương ở World Cup 2014 nữa. Sau 8 năm, chiếc Cúp là của anh, trong tay anh, thậm chí lên giường ngủ của anh trong đêm Argentina đăng quang ở sân Lusail. Một World Cup đẹp nhất, một Cúp vàng tuyệt diệu nhất, ở giải đấu anh được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất.
Vào những phút cuối của thời gian thi đấu chính thức, khi Argentina vứt đi lợi thế dẫn trước 2 bàn khi để Kylian Mbappe vùng dậy thực hiện cuộc cách mạng Pháp ở Qatar với 2 bàn thắng chỉ trong 3 phút, Lionel Messi vẫn mỉm cười.
Bình thản cười sau một bàn thua
Nụ cười rất nhẹ nhàng ấy xuất hiện trên môi anh khi anh vừa mất bóng dẫn đến bàn gỡ 2-2 cho Pháp, khi Mbappe và Kingsley Coman xốc dậy toàn bộ đội bóng Áo Lam và đẩy Argentina cùng những người yêu mến họ rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ. Đến phút 79, khi Argentina đang dẫn 2-0, người ta đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc ăn mừng, nhưng điều không tưởng đã xảy ra, và Messi có một phần lỗi trong những điều tồi tệ đã xảy ra. Nhưng không, anh vẫn nở nụ cười bình thản, như thể để nói với cả thế giới, này các vị, tôi đã trải qua đủ mọi thứ vinh quang và đau khổ trong cái nghề này rồi, chẳng có gì làm tôi xúc động nữa. Và rồi với anh là lãnh đạo tối cao, ở hiệp phụ, Argentina hồi sinh, gạt sang bên những nỗi lo lắng để ghi bàn thắng nữa, trước khi Mbappe ghi bàn thứ 12 của anh trong 2 World Cup anh đã tham gia và đẩy trận đấu vào loạt luân lưu.
Nhưng trong đêm Lusail, Mbappe, chơi một trận World Cup hay nhất đời mình, đã không chiến thắng. Một cách rất thẳng thắn, phải nói rằng ở trận chung kết, Messi không chơi hay bằng Mbappe, nhưng trong bóng đá, khi Messi có thể cười bình thản sau một bàn thua của Argentina trong một trận chung kết thì cũng có thể tin rằng, trong bóng đá, không phải lúc nào người xuất sắc hơn cũng chiến thắng. Bởi Pháp chỉ có một mình Mbappe toả sáng, còn Argentina có Messi, dĩ nhiên rồi, có Di Maria, và có cả đôi tay của Emiliano Martinez để phá nát giấc mơ lần thứ 2 liên tiếp đoạt World Cup của người Pháp. Khi pháo hoa được bắn lên trên sân Lusail, khi tiếng nhạc cất lên hạnh phúc hoà trong tiếng hát của hàng vạn cổ động viên áo trắng-xanh, những người đã hát vang suốt trận để cổ vũ cho Messi và các đồng đội của anh, Messi cầm micro cảm ơn những ai đã ủng hộ Argentina, và sau đó là cầm Cúp ăn mừng cùng tất cả.
Anh đã chờ đợi ngày này cả cuộc đời, và kể từ khi trở thành một hiện tượng của bóng đá thế giới ngày còn trẻ, anh đã như Chúa Jesus vác cây thánh giá trên đường khổ nạn 14 chặng khi luôn bị/được so sánh với Diego Maradona huyền thoại. Đấy là một vinh dự lớn, nhưng cũng là một nỗi ám ảnh, một gánh nặng kinh khủng. Trong suốt 5 World Cup, Messi chiến đấu chống lại quá khứ của Argentina, để tìm cách vượt qua cái bóng của Maradona vĩ đại. Luôn luôn là hoặc chiến thắng và trở thành người hùng, hoặc thất bại và mãi mãi đứng sau Maradona. Nhưng bây giờ, anh đã sánh ngang với số 10 bất tử ấy. Hình ảnh Maradona không còn là nỗi ám ảnh mà như một vị thánh ban phước lành. Ở trên kia, có lẽ Maradona cũng nở nụ cười sau khi chứng kiến truyền nhân của anh nhảy điệu tango cuối cùng ở World Cup trong niềm vui chiến thắng. 13.321 ngày đã trôi qua kể từ chiếc Cúp vàng mà Diego Maradona vĩ đại đã giành được trên cao nguyên Mexico một ngày tháng Bảy nóng bỏng năm 1986. Giờ đây, những cuộc chờ đợi đã kết thúc rồi, Argentina đã vô địch thế giới và Messi đi vào ngôi đền của các huyền thoại.
Messi trên đỉnh vinh quang
Sự khác biệt lớn của Messi bây giờ với quá khứ là sự từng trải, và vì thế, anh bình thản. Ngay cả thất bại đầu giải của Argentina trước Saudi Arabia cũng không phải là một bi kịch, bởi nó giống như một cái ngòi nổ bị cháy dẫn đến một tấn thuốc nổ TNT có tên Messi ở giải đấu này. Messi và Argentina đã bùng cháy sau đó, có những trận vật vã để chiến thắng, có những trận chơi dở cho đến khi Messi tỉnh giấc và ghi bàn, có những chiến thắng nghẹt thở trên chấm phạt đền. Đấy là một World Cup đặc biệt mà Argentina đã cho người hâm mộ của họ sống với mọi cung bậc cảm xúc, để rồi chiến thắng trong một trận chung kết điên rồ bậc nhất trong lịch sử World Cup. Và trong trận chung kết kỳ lạ bậc nhất ấy, anh đã cười khi đội bóng của anh vừa bị đối phương gỡ lại 2-2 và đẩy trận đấu vào một kết cục không ai đoán trước được.
Xét cho cùng, đó là một trận đấu không thể nào quên. Dường như mọi điều đều có thể xảy ra từ phút 80 cho đến hết những loạt luân lưu, và Messi luôn bình thản trong mọi sóng gió của đối phương. Hình ảnh ấy thật khác xa với sự mệt mỏi của anh ở World Cup 2018 và những lần nôn khan ở World Cup 2014. World Cup này là của anh, trong tầm tay anh. Những gì anh không làm được ở những giải trước thì lần này anh làm được, chẳng hạn như ghi bàn trong trận chung kết, không chỉ một, mà hai lần, lần đầu bằng phạt đền và lần thứ hai là trong thời gian hiệp phụ. Anh giơ hai tay lên trời để cảm ơn Celia, bà anh. Những ai theo sát Messi trong trận đấu sẽ tinh ý nhận ra anh đã cảm ơn Celia ba lần, lần đầu khi ăn mừng bàn thắng, lần thứ hai khi trọng tài xác nhận là bóng đã đi qua vạch vôi và lần thứ ba là khi VAR khẳng định không có việt vị trong tình huống ghi bàn ấy.
Bà Celia đã luôn trong trái tim của Messi từ khi anh còn nhỏ. Messi luôn đến sân bóng cùng với bà. Khi anh không có bóng, bà Celia la lên: “Chuyền bóng ngay cho Piqui đi (biệt danh của Messi hồi đó). Nó sẽ biết cách ghi bàn”. Khi Messi đã trở thành một dạng huyền thoại sống, các fan bóng đá Argentina cũng rất kính trọng và tôn thờ bà, bài hát “Muchachos” mà các cổ động viên hay hát vang trên khán đài cũng tôn vinh bà ngang với ông Diego và bà Tota, bố mẹ của Maradona huyền thoại. Nhưng ngày ấy, Messi không thể lớn vì có vấn đề về hormon tăng trưởng, còn bà Celia bắt đầu mất trí nhớ vì Alzheimer. Cuối cùng, bố anh quyết định đưa anh sang châu Âu để cứu anh và Celia mất tháng 5/1998, khi anh 11 tuổi. Cái chết ấy để lại khoảng trống lớn trong lòng Messi. Anh yêu bà mình. Đêm Lusail, chỉ có bà anh là không có mặt.
Nhưng cũng như Maradona, trên thiên đường, Celia cũng vui với chiến thắng của Messi. Đêm chung kết mát rượi ở Qatar, cháu trai yêu dấu của bà đã ở trên đỉnh thế giới…
Trương Anh Ngọc