Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã và đang được thúc đẩy bởi ba đại xu hướng, mà một trong số đó sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

04-5008

Dự báo sẽ có nhiều khoản đầu tư hơn cho lĩnh vực Năng lượng, cũng như những lĩnh vực phục vụ khách hàng bán lẻ.

“Ngôi sao đang lên”

Xu hướng lớn thứ hai là sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và và tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững – điều này thu hút sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với năng lượng tái tạo.

Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự phát triển rộng rãi của quá trình số hóa, điều này tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là các dịch vụ tài chính ngân hàng bán lẻ và hậu cần.

Tuy hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022, có thể chờ đợi lĩnh vực quan trọng này sẽ trở lại là trọng tâm của các giao dịch M&A vào năm 2023 và những năm sau đó.

Bên cạnh đó, tình hình thị trường M&A ở Việt Nam có thể thay đổi đáng kể nếu các giao dịch lớn liên quan đến thoái vốn nhà nước diễn ra vào năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo vị chuyên gia: “Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại khoảng 6 – 6,5 % vào năm 2023 và những năm sau đó, Việt Nam vẫn là ngôi sao đang lên trên bình diện thị trường toàn cầu, do hầu hết các nền kinh tế khác đều được dự đoán mức tăng trưởng thấp hơn nhiều, thậm chí là tăng trưởng âm”.

Trong bối cảnh đó, có thể kỳ vọng những cơ hội M&A tại Việt Nam vẫn sẽ rất phong phú trong năm 2023, bất chấp những lo ngại từ những khó khăn kéo dài của nền kinh tế toàn cầu.

Xu hướng phong phú hơn

Liên quan đến các cơ hội M&A, có một số yếu tố cần được xem xét. Cụ thể, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có những thương vụ lớn tiềm năng có thể được ký kết năm 2023 sẽ thay đổi cục diện của thị trường M&A.

3130t8_MUMA

Nền kinh tế xanh, kinh tế kỹ thuật số, các dự án hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo sẽ trở thành mục tiêu đầu tư tiếp theo của Singapore.

Với nỗ lực của Chính phủ trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, có thể có một số thương vụ thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp lớn, từ đó mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường M&A.

Những đại xu hướng vẫn đang chi phối nền kinh tế Việt Nam như “Sống/Kinh doanh xanh – Go Green” và “Tầng lớp trung lưu đang nổi lên” sẽ mang lại nhiều khoản đầu tư hơn cho lĩnh vực Năng lượng, cũng như những lĩnh vực phục vụ khách hàng bán lẻ tại Việt Nam, những người đang ngày càng vừa tinh tế hơn vừa gia tăng về số lượng.

Một cuộc khảo sát gần đây do KPMG thực hiện với khách hàng giúp hiểu rõ hơn tâm lý của nhà đầu tư đối với các hoạt động M&A trong năm 2023 và những năm sau đó.

Theo hầu hết những người tham gia khảo sát, lạm phát và lãi suất cao là hai trong những thách thức lớn nhất đối với hoạt động M&A trong năm 2023. Theo đó, họ đều dự đoán rằng định giá doanh nghiệp sẽ giảm xuống trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người được hỏi thì suy thoái kinh tế và định giá thấp có thể mang lại những cơ hội M&A hấp dẫn, từ đó xuất hiện các giao dịch tốt hơn mức bình quân với các giá trị thu được cho cả người mua và người bán.

Cũng theo khảo sát trên, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, số lượng giao dịch M&A trong năm 2023 hoặc sẽ tương tự như năm 2022, hoặc tăng lên.

Điều kiện thị trường không thuận lợi sẽ buộc các nhà đầu tư phải thận trọng hơn với các tiêu chí định giá để giao dịch “đáng đồng tiền bát gạo”. Sự gia tăng của phong trào “ESG” (Môi trường-Xã hội-Quản trị cho thấy rằng, đây sẽ là xu hướng khắt khe đối với các giao dịch M&A mục tiêu để nhận được cái gật đầu từ phía các nhà đầu tư.

Dự báo thị trường M&A năm 2023, nhiều chuyên gia cũng cho rằng chứa đựng nhiều cơ hội. Theo đó, bên cạnh những lịch vực kể trên, ông Steven Brown, Giám đốc bán hàng Định chế Việt Nam (Mirae Asset Securities) chia sẻ, các lĩnh vực M&A “truyền thống” tại Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.

“Chúng tôi nhận thấy, trong tương lai, các doanh nghiệp tiêu dùng và ẩm thực vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư;  dịch vụ tài chính, tài chính tiêu dùng và ngân hàng cũng tương tự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tốt trong lĩnh vực IoT, fintech, thương mại điện tử, trò chơi điện tử và blockchain ngày càng phổ biến. Nhiều công ty Hàn Quốc tham gia thành công trong các lĩnh vực này nhận thấy, họ có thể mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam và đang tích cực tìm kiếm các liên minh chiến lược, hoặc thảo luận cơ hội M&A với các đối tác Việt Nam”, ông Steven Brown nhận định.

Trong khi đó, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam nêu cao vai trò của chuỗi cung ứng và hậu cần, nền kinh tế xanh và nền kinh tế kỹ thuật số đối với nhà đầu tư Singapore.

“Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã nêu bật tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và ngành logistics. Các doanh nghiệp Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực logistics bằng cách cung cấp tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực và các giải pháp kỹ thuật số”, ông Seck Yee Chung nói.

Ngoài ra, nền kinh tế xanh, kinh tế kỹ thuật số, các dự án hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo sẽ trở thành mục tiêu đầu tư tiếp theo của Singapore.

Thy Hằng