Với tín dụng tăng trưởng âm trên toàn hệ thống ở nửa đầu tháng 4, trong khi một số ít tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay rất mạnh, nên chăng đã đến lúc cần linh hoạt nới room tín dụng.
Kết thúc quý I/2020, tín dụng tăng trưởng 1,3% so với cùng năm trước. Tuy nhiên đến 15/04/2020, tín dụng đã tăng trưởng âm khoảng 0,5%, đưa tổng tăng trưởng lũy kế về 0,8%- phản ánh rõ cầu tín dụng mới chưa cao và các thành phần trong nền kinh tế đang tập trung trả nợ hoặc duy trì nợ cũ.
Sắp cạn room tín dụng
NHNN cho biết đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới, các TCTD đang đồng thuận tích cực hỗ trợ nền kinh tế vượt COVID-19. Theo đó, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới của các TCTD đạt khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.
Cùng tăng trưởng tín dụng của quý trước và doanh số vay mới, rõ ràng dòng tiền tín dụng vẫn lưu thông. Tín hiệu tích cực từ phòng chống dịch của Việt Nam cũng đang cho các thành phần kinh tế quyền hy vọng và tâm thế sẵn sàng để “bật lò xo” hậu COVID-19.
Trong dư địa thúc đẩy tăng trưởng lớn của Việt Nam, “room” tín dụng dành cho các TCTD theo đó cần điều chỉnh linh hoạt hơn nữa. Bởi theo ghi nhận cho thấy ở một số ít TCTD bắt đầu xuất hiện tín hiệu gần cạn room tín dụng.
Nguyên do là bởi quy mô tổng tài sản của các tổ chức này còn khiêm tốn, trong khi tỷ lệ room tín dụng được cấp lại thấp. Bản thân các TCTD này cũng có khách hàng thân thiết theo chuỗi, theo hợp tác đối tác dài hạn… Do đó, vốn tín dụng có thể đã được ưu tiên để giải ngân cho các đối tượng này trong các tháng đầu quý I/2020.
Việc duy trì quan hệ đối tác lớn, giải ngân vốn nhanh từ đầu năm cho khách hàng có nhu cầu, qua đó cũng để tổ chức có “cơ may” được NHNN xem xét nới room cho vay mới trong năm nay, lẫn kế hoạch của năm tới. Điều này là dễ hiểu khi nguồn thu từ nghiệp vụ cho vay truyền thống vẫn đóng góp lợi nhuận lớn cho hầu hết các ngân hàng.
Cần cơ chế đặc cách
Với thực tế trên và tình hình tín dụng tăng trưởng âm trên toàn hệ thống ở nửa đầu tháng 4, nên chăng cơ quan quản lý cần có sự linh hoạt để xem xét nới room tín dụng.
Theo đó, với những TCTD đảm bảo thanh khoản, hệ số an toàn vốn CAR cao và đạt chuẩn Basel II nhưng có khả năng cạn room tín dụng sớm, có thể triển khai cơ chế đặc cách cho vay tiếp theo một tỷ lệ khống chế nào đó – dành riêng cho các khách hàng chịu thiệt hại do COVID-19. Tỷ lệ cho vay này không tính vào room tín dụng đã được duyệt từ trước của TCTD nếu lãi suất cho vay thực sự ưu đãi với khách hàng, đồng thời ngân hàng phải chịu trách nhiệm chứng minh các khoản vay cho đúng đối tượng theo định hướng hỗ trợ, vừa giúp luân chuyển dòng tiền của ngân hàng, vừa đóng góp chia sẻ với toàn xã hội.
Đó cũng là cách để các TCTD không “đứng ngoài” công cuộc hỗ trợ nền kinh tế, thể hiện trách nhiệm xã hội và đồng hành doanh nghiệp đúng nghĩa, qua đó cũng giúp dòng tiền tiếp tục luân chuyển hiệu quả.