Liên minh tình báo Five Eyes yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cung cấp một cửa hậu mã hóa để phục vụ việc điều tra tội phạm.

Các thành viên của liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, cùng với đại diện chính phủ của Nhật Bản và Ấn Độ, đã công bố một tuyên bố vào cuối tuần qua kêu gọi các công ty công nghệ đưa ra giải pháp cho cơ quan thực thi pháp luật để truy cập thông tin liên lạc được mã hóa đầu cuối.

Tuyên bố là nỗ lực mới nhất của liên minh để khiến các công ty công nghệ đồng ý với việc truy cập vào các cửa hậu mã hóa.

Liên minh Five Eyes, bao gồm: Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand, cũng đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự đối với những gã khổng lồ công nghệ vào năm 2018 và 2019.

Cũng giống như trước đây, các quan chức chính phủ tuyên bố các công ty công nghệ đã tự đưa mình vào thế khó bằng cách kết hợp mã hóa end-to-end (E2EE) vào các sản phẩm của họ.

Nếu được triển khai đúng cách, E2EE cho phép người dùng có các cuộc trò chuyện an toàn – có thể là trò chuyện, âm thanh hoặc video – mà không cần chia sẻ khóa mã hóa với các công ty công nghệ.

Đại diện từ 7 chính phủ lập luận rằng, cách mã hóa E2EE hiện đang được hỗ trợ trên các nền tảng công nghệ lớn hiện nay là rào cản khiến cơ quan thực thi pháp luật tiến hành điều tra tội phạm.

Các bên ký kết tranh luận rằng “các triển khai cụ thể của công nghệ mã hóa” hiện đang đặt ra thách thức đối với các cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật, vì bản thân các nền tảng công nghệ này không thể truy cập một số thông tin liên lạc và cung cấp dữ liệu cần thiết cho các nhà điều tra.

Đại diện 5 nước thuộc Five Eyes tham dự hội nghị CyberUK 2019.

Theo các quan chức Five Eyes, việc mã hóa này đã tạo một nơi trú ẩn an toàn đối với các hoạt động tội phạm, “đặc biệt gây mất an toàn cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em bị xâm hại tình dục”, các quan chức lập luận.

“Chúng tôi kêu gọi các công ty công nghệ làm việc với các chính phủ để thực hiện các bước tiếp theo, tập trung vào các giải pháp hợp lý, khả thi về mặt kỹ thuật”, 7 chính phủ cho biết trong một thông cáo báo chí.

Thông cáo nêu: “Đưa sự an toàn của công chúng vào các thiết kế hệ thống, từ đó cho phép các công ty hành động chống lại nội dung và hoạt động bất hợp pháp một cách hiệu quả mà không làm giảm mức độ an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra và truy tố tội phạm và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”.

Qua đó, cho phép cơ quan thực thi pháp luật truy cập vào nội dung ở định dạng có thể đọc được và sử dụng được trong đó ủy quyền được cấp hợp pháp, cần thiết và tương xứng, đồng thời phải tuân theo các biện pháp bảo vệ và giám sát chặt chẽ.

Các quan chức cho biết họ cam kết hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển một giải pháp cho phép người dùng tiếp tục sử dụng thông tin liên lạc được mã hóa, an toàn nhưng cũng cho phép các cơ quan thực thi pháp luật và công nghệ truy quét hoạt động tội phạm.

Bảy chính phủ đã kêu gọi mã hóa backdoor không chỉ trong các ứng dụng nhắn tin tức thời được mã hóa mà còn cho “mã hóa thiết bị, ứng dụng mã hóa tùy chỉnh và mã hóa trên các nền tảng tích hợp”.

Vào tháng 12 năm 2018, Úc là quốc gia dân chủ lớn đầu tiên đưa ra luật xử lý mã hóa. Những nỗ lực tương tự cũng đã diễn ra ở Mỹ và châu Âu, nhưng ít thành công hơn, chủ yếu do sự phản đối của các công ty công nghệ, tổ chức phi lợi nhuận hoặc công chúng.

Tuy nhiên, áp lực ngày càng gia tăng trong những năm gần đây khi các chính phủ phương Tây tìm cách đạt được khả năng thu thập thông tin tình báo ngang bằng với Trung Quốc.

Nguyễn Long