Đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa thống nhất phương án giảng dạy môn lịch sử trong chương trình mới ở cấp trung học phổ thông năm học 2022-2023. Vấn đề nay khiến dư luận xôn xao bởi nếu không thống nhất sớm, lịch sử sẽ trở thành một môn học tự chọn và học sinh sẽ “tự chọn” quan tâm lịch sử.

Theo thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo thì Bộ này sẽ cân nhắc phương án trên cơ sở của các chuyên gia. Như thế, người đứng đầu ngành giáo dục vẫn chưa thể đưa ra một quyết định rõ ràng mang tính quyết đoán về “số phận” của môn học này.

Nhìn lại kế hoạch giáo dục phổ thông mới, chương trình lớp 10 từ năm học 2022-2023 chỉ yêu cầu học sinh học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc. Trong đó, bao gồm các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

giaoduc

Đối với ngành giáo dục, nếu không dạy đủ cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử chính là có lỗi với lịch sử.

Ngoài ra, học sinh sẽ chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn) là Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật – Âm nhạc và Mỹ thuật). Và với lựa chọn như vậy, học sinh có thể sẽ không lựa chọn lịch sử vì nhiều lý do như khó kiếm điểm, lâu nhớ kiến thức,…

Nếu lịch sử là môn học tự chọn, vậy cần xét lại những kiến thức được truyền đạt từ môi trường tiểu học và trung học cơ sở. Với số lượng tiết học ít ỏi, nguồn kiến thức được chuyển cho học sinh liệu đã đảm bảo để lớp trẻ biết về lịch sử của đất nước trong suốt quá trình hình thành, đấu tranh và phát triển?

Dễ dàng nhìn thấy trong chương trình học bắt buộc luôn có môn ngoại ngữ, Đây là điều kiện cần cho sự phát triển của tương lai của cả học sinh và đất nước trong quá trình kinh tế hội nhập. Nhưng giỏi thôi liệu đã đủ, khi chính công dân của ta lại thiếu đi các kiến thức về lịch sử của dân tộc.

Đó rõ ràng là một lỗ hổng vô cùng lớn cho tương lai, cho các thế hệ sau này khi những thông tin về một dân tộc kiên cường, bất khuất bị thiếu sót. Chưa kể đến là các cuộc chiến chính nghĩa, nhiều sự kiện bi tráng hào hùng không được nhắc đến trong sách vở cũng có thể sẽ dần bị lãng quên.

Cùng điểm lại phương châm dạy lịch sử, tổng kết kiến thức sau mỗi cuộc kháng chiến đều luôn có phần ý nghĩa lịch sử. Thông qua đó, học sinh mới thấy được các gian truân, sự hy sinh to lớn từ các vị lãnh đạo, những anh hùng của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước để có được ngày hôm nay.

Như thế, lịch sử là để ghi nhớ, để trân trọng và là bắt buộc. Không ai được “tự chọn” lịch sử, mà lịch sử là cả quá trình hình thành, gây dựng của cả một dân tộc đáng để tự hào. Nếu là “tự chọn”, không ai muốn lịch sử đất nước trải qua muôn vàn khó khăn đáng có và chưa đủ để đáng nhớ.

Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Là công dân Việt Nam phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Đối với ngành giáo dục, nếu không dạy đủ cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử chính là có lỗi với lịch sử.

Lịch sử là môn học phải được coi trọng bậc nhất, bởi lẽ lịch sử là quá khứ của một dân tộc.Và hơn nữa, lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn tính cách dân tộc thông qua hàng nghìn năm.

Vì vậy, người đứng đầu ngành cần có quyết định chính thức về việc chọn lịch sử hay tự chọn lịch sử. Nếu lịch sử là “tự chọn”, ắt hẳn sẽ còn nhiều sự “tự chọn” nữa tiếp diễn trong tương lai thông qua việc cải cách giáo dục như hiện nay.

An Nhiên