Trong bối cảnh thách thức từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu, LG Electronics lại cho thấy họ đang có những chiến lược khác biệt khi quyết định “bạo tay” chi tiêu.
Theo đó, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc đã có một quyết định táo bạo để mở rộng khoảng cách công nghệ với các đối thủ của mình, nhằm chuẩn bị cho sự tăng trưởng lâu dài và thịnh vượng sau suy thoái.
Thứ sáu tuần trước, LG Electronics đã công bố báo cáo thường niên, công ty cam kết chi hơn 4,1 tỷ USD chi phí đầu tư cho năm 2023 để phát triển các mẫu mã mới, công nghệ mới và chức năng cải tiến. Con số này cao hơn 28% so với vốn đầu tư của năm ngoái và là mức chi tiêu vốn đầu tư lớn nhất kể từ năm 2013.
Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tăng đầu tư cho nghiên cứu & phát triển (R&D) cho năm 2023 thêm khoảng 10% so với năm ngoái. Công ty đã đầu tư hơn 3 tỷ USD cho R&D vào năm 2022, tăng 13,2% so với năm trước. Nếu xu hướng chi tiêu cho R&D được duy trì trong năm nay, thì vốn đầu tư kết hợp với chi tiêu cho R&D của công ty dự kiến sẽ đạt được khoảng hơn 7 tỷ USD trong năm nay.
Có thể thấy, số tiền chi tiêu khổng lồ của LG Electronics diễn ra vào thời điểm công ty dưới sự chỉ đạo của Giám đốc điều hành Cho Joo-wan đang tìm cách nâng cấp và nâng cao năng lực công nghệ, thay vì cắt giảm chi phí, để vượt qua những thách thức trong thời kỳ suy thoái kinh tế và có được các nguồn lực để tiếp tục mở rộng sau suy thoái.
LG sẽ đầu tư vào đâu?
Trong kế hoạch của mình, LG Electronics đã tiết lộ họ sẽ dành phần lớn vốn đầu tư cho mảng kinh doanh điện tử ô tô, động cơ tăng trưởng mới của hãng, cũng như mảng kinh doanh thiết bị gia dụng và TV, hiện đang dẫn đầu thế giới.
Công ty có kế hoạch chi hơn 600 triệu USD cho thiết bị điện tử ô tô trong năm nay, cao hơn 20,7% so với một năm trước. Họ đang xem xét rằng ngành công nghiệp phụ tùng ô tô lập kế hoạch đầu tư cơ sở dựa trên đơn đặt hàng tồn đọng, kế hoạch đầu tư vốn mới nhất cho thấy bộ phận điện tử ô tô của LG Electronics sẽ bắt đầu tạo ra doanh số bán hàng với các đơn đặt hàng hiện tại theo từng giai đoạn.
LG Electronics cũng dành gần 600 triệu USD cho bộ phận H&A, mảng kinh doanh mang lại nhiều tiền mặt cho các thiết bị gia dụng. Con số năm nay tăng 13,9% so với năm trước và là khoản đầu tư lớn nhất cho một đơn vị kinh doanh.
Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch bơm 248 triệu USD vào bộ phận HE, bộ phận chịu trách nhiệm kinh doanh TV, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty dự kiến sẽ sử dụng phần lớn số tiền trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng webOS của mình để phát triển một mô hình kinh doanh tạo ra lợi nhuận mới ngoài việc bán TV.
Có thể nói, kế hoạch đầu tư mới nhất của LG được đưa ra trong bối cảnh công ty đang nỗ lực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới có thể tạo ra lợi nhuận ổn định. Mặc dù đạt doanh thu cao kỷ lục gần 64 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng lợi nhuận hoạt động của LG Electronics đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố hoạt động kinh doanh bằng việc tập trung đầu tư vào các mô hình kinh doanh mới cho tương lai.
Thành lập công ty con R&D tại Việt Nam
Mới nhất, LG Electronics đã thành lập một công ty con nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực ô tôt điện tại Việt Nam để giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các linh kiện xe điện (EV).
Gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc cho biết, các hoạt động tại trung tâm R&D hiện tại ở Hà Nội sẽ được hợp nhất vào công ty con mới, có tên là LG Electronics Development Vietnam. Công ty mới, ban đầu sẽ được giao nhiệm vụ phát triển và xác minh phần mềm cho hệ thống thông tin giải trí trên xe (IVI) – trọng tâm chính cho hoạt động kinh doanh di động của công ty.
LG Electronics vào Việt Nam từ năm 2016 với một dự án có vốn đầu tư ban đầu lên đến 1,5 tỷ USD. Dự án chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti vi, màn hình LCD,… Những năm sau đó, Tập đoàn LG liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của dự án. Cho đến cuối năm ngoái, LG Display đã nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 5,65 tỷ USD.
Nguyễn Chuẩn