Việc lên các kịch bản dòng tiền ít lạc quan sẽ giúp doanh nghiệp đặt mình vào những biến số khó khăn để có phương án ứng phó với từng kịch bản dòng tiền.
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp- HDBank, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý lạc quan. Đây là tinh thần rất tốt trong kinh doanh bởi bất kỳ lúc nào, doanh nghiệp cũng lạc quan để có năng lượng tích cực sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, phấn đầu đạt được mục tiêu đề ra.
Song đối với các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm nhỏ và vừa, trong quản lý tài chính và lên phương án dự báo dòng tiền, ông Phương cho rằng cần giảm bớt chú trọng kịch bản lạc quan. Thay vào đó, doanh nghiệp nên xây dựng 3 kịch bản cho dòng tiền, đặc biệt thích ứng trong giai đoạn cuối năm, đó là: Thứ nhất, kịch bản dòng tiền thấp nhất. Thứ hai, kịch bản dòng tiền thấp vừa (mức ổn); và thứ ba là kịch bản dòng tiền vừa phải (mức tốt vừa).
Ông Phương cho biết, từ các kịch bản dòng tiền ít lạc quan, doanh nghiệp sẽ quản lý được tài chính một cách khá sát để đánh giá nhu cầu đầu tư vay vốn, có thể vay ở mức độ nào, khả năng trả nợ ra sao, các phương án khi mất dòng thu trả nợ như dự tính ban đầu… Từ đó, tránh được nợ xấu và có thể thuyết phục ngân hàng tiếp cận vốn vay hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm, Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, dù ở quy mô nào, là doanh nghiệp nhỏ, vừa hay doanh nghiệp lớn, cũng phải lập kế hoạch dòng tiền. Nhất là trong thời gian ngắn hạn và vào mùa cao điểm cuối năm, kịch bản cần cân đối giữa sản lượng sản xuất với khả năng tiêu thụ, thu hồi tiền trả nợ ngân hàng, tránh sản phẩm sản xuất ra quá nhiều, tiền nằm hết vào trong sản phẩm và có nguy cơ bị tồn kho cao.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng tránh việc quá mức thận trọng khiến bỏ qua thời cơ thúc đẩy doanh số từ tiêu thụ cuối năm, thời điểm đặc biệt trong năm doanh nghiệp có thể đột biến cầu tiêu dùng.
Thuận Hóa