Ngành “kinh tế xanh” đóng băng, nỗi lo về những khoản nợ, lương nhân viên, thuê mặt bằng… đang làm đau đầu lãnh đạo công ty du lịch, buộc họ phải xoay đủ nghề để lấy ngắn nuôi dài.
Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ và vừa phá sản. Những công ty trụ lại phải tạm dừng hoạt động, hoặc rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Trong bối cảnh đó, nhiều ông chủ doanh nghiệp du lịch vừa phải lo tiền trả cho người lao động, vừa phải tranh thủ cơ hội tái cơ cấu hoạt động, vừa phải lên kế hoạch khôi phục hoạt động.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel cho hay, từ giữa tháng 3/2020, toàn bộ Công ty đã chuyển sang làm việc online. “Do AZA Travel sinh sau, đẻ muộn, nên lương cơ bản của cán bộ, nhân viên được trả rất cao để thu hút nhân tài. Dù đầu tháng 3, nhân viên đã chủ động xin giảm lương, nhưng tôi vẫn trả đầy đủ cho họ. Từ tháng 4 trở đi, mỗi nhân viên sẽ nhận 1/3 tháng lương cơ bản”, ông Đạt cho biết.
Hiện tại, AZA Travel đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động, như xây dựng hệ thống quản lý bán hàng, marketing, làm SEO… Đặc biệt, từ tháng 4/2020, Công ty chuyển hết nhân sự sang bán bia tươi organic cao cấp Euro Beer do ông Đạt làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc điều hành. “Trước đây, Euro Beer chủ yếu phân phối cho các nhà hàng, khách sạn, nhưng giờ, nguồn cầu truyền thống không còn, nên chúng tôi chuyển sang bán online, chuyển đến tận nhà”, ông Đạt chia sẻ.
CEO AZA Travel cho hay, phản ứng của thị trường rất tốt. Euro Beer đang tuyển đại lý và cộng tác viên bán bia trong chính nhân sự ngành du lịch. Ông lý giải: “Đa số nhân sự ngành du lịch hoạt động rất tích cực, có nhiều bạn bè, đối tác có tiền đi du lịch cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng của Euro Beer. Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với những người làm du lịch tạm chuyển sang bán hải sản, chế biến đồ ăn sẵn để họ bán đồ ăn kèm bia, còn mình quảng cáo đồ ăn cho họ hoặc bán bia kèm đồ ăn để khách mua được đồ ăn và đồ uống đều ngon”.
Trong khi đó, để có nguồn thu nhập cho nhân viên, ngoài nhiệm vụ quan trọng của mảng du lịch, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt đã phân phối thêm dung dịch diệt khuẩn vi sinh học. “Sản phẩm dung dịch diệt khuẩn chỉ mấy ngàn đồng một lít, lợi nhuận không cao, công việc khá vất vả, nhưng trong lúc này, có việc để làm cũng đã là niềm vui lớn”, ông Long nói.
Tương tự, lãnh đạo Công ty Du lịch TransViet đã động viên nhân viên tham gia sản xuất, phân phối sản phẩm thực phẩm sạch tại Đà Lạt (Lâm Đồng) để có thêm thu nhập.
Không chấp nhận ngồi yên “chờ chết”, ông Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch PhucGroup Việt Nam cho biết, từ ngày 16/3, đơn vị này đã phải cho 40 nhân viên làm việc luân phiên với phần lương cơ bản 2 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Bắc, nếu cứ giữ nguyên mảng du lịch, có cố cũng chỉ tồn tại được khoảng 6 tháng. Bởi thế, ngày 12/3, PhucGroup đã đưa vào hoạt động Trung tâm Kinh doanh vật liệu xây dựng và gỗ nội thất An Phát tại TP. Vinh (Nghệ An).
“Với việc thành lập trung tâm này, PhucGroup đã giải được một phần bài toán việc làm. Ngoài một số nhân viên giữ lại trực mảng du lịch, bộ phận còn lại được chuyển sang làm kinh doanh online, phát triển thương hiệu An Phát”, ông Bắc cho hay.
Không chịu kém cạnh đấng mày râu, bà Lê Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch SAB đã trút bỏ bộ vest sang trọng để vào bếp nặn bánh ngào và bánh bèo lá để bán. Bà cho biết: “Sau một thời gian gắng gượng, đến ngày 9/3, tôi phải cho nhân viên tạm nghỉ. Nhưng không làm việc cũng buồn và không có thu nhập, nên tôi chuyển sang làm bánh rồi giao tận nhà khách hàng”.
Khi hàng chục chiếc xe du lịch phải nằm yên trong bãi, ông Trần Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà đã phải tạm chuyển sang kinh doanh các loại nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Ông chia sẻ: “Tôi vốn quen với sự bận rộn, nên khi có dịch đã nghiên cứu và “lấn sân” sang mảng kinh doanh nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Công việc kinh doanh khá tốt, nhưng không hỗ trợ được việc làm cho nhiều nhân viên. Vì thế, tới đây, tôi sẽ kinh doanh thêm trái cây nhập khẩu để tạo việc làm cho họ, cũng là để lấy ngắn nuôi dài”.
Quả thực, những vị thuyền trưởng tài ba luôn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, họ luôn có cách biến nguy thành cơ, chờ ngày “nắng” lên.
Theo Báo đầu tư