bb126tl

Nữ giới dễ dàng chấp nhận làm các công việc kém ổn định hơn miễn là có thể đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch COVID-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020; đồng thời, khiến nhiều người lao động, đặc biệt phụ nữ trở thành lao động có việc làm phi chính thức.

Kết quả điều tra của Tổng Cục Thống kê cho thấy, mặc dù, số người có việc làm giảm nhưng số phụ nữ có việc làm lại tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mức tăng này ở phụ nữ chủ yếu là do tăng về số người có việc làm phi chính thức khiến tỷ lệ lao động phi chính thức của nữ giới tăng mạnh hơn so với nam giới (2,5 điểm phần trăm so với 1,2 điểm phần trăm).

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, đây có thể là do tác động của yếu tố giới khi tham gia thị trường lao động dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Do nữ giới dễ thỏa hiệp và không có nhiều cơ hội lựa chọn các công việc khi tham gia thị trường lao động so với nam giới, họ bắt buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định hơn miễn là có thể đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 đã tái định hình về vai trò của lao động phi chính thức trong nền kinh tế, về vai trò của Chính phủ trong đầu tư công và đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong quá trình dẫn dắt cộng đồng và xã hội vượt qua đại dịch.

laodongnu1

Kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 đã tái định hình về vai trò của lao động phi chính thức trong nền kinh tế.

Tuy vậy, mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I/2021 đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng, tăng 339.000 đồng/tháng với quý trước và 106.000 đồng/tháng cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng). Thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị (7,9 triệu đồng) cao hơn 1,5 lần lao động nông thôn (5,4 triệu đồng).

Tính chung quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 5,2%; khu vực dịch vụ có tốc độ tăng là 1,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 0,8%.