Số lao động mất việc có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. Khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không thể xảy ra.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 10/7 cho thấy, quý II và 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Mức giảm việc làm sâu kỷ lục 10 năm qua
Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động cho biết, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch COVID-19. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay”, bà Vũ Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Dịch COVID-19 cũng làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2020 là 51,8 triệu lao động, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động có việc làm trong quý II giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy dịch COVID-19đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan. Đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2020 là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% – mức cao nhất 10 năm.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở mức khiêm tốn nếu so với nhiều quốc gia khác nhưng không thấp nếu so với chính Việt Nam vì trước đây tỷ lệ này chỉ quanh ngưỡng 2%.
“Từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. “Khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không thể xảy ra”, bà Thủy nhận xét.
Theo ước tính của cơ quan thống kê, để giữ tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị dưới 4% theo mục tiêu Quốc hôi, tỷ lệ này trong hai quý cuối năm không được vượt quá 4,1%. Nếu hoạt động sản xuất không phục hồi, tình trạng thiếu việc làm gia tăng, mục tiêu của Quốc hội nhiều khả năng không thể đạt.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch COVID – 19 xuất hiện. “Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động có nhu cầu làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay”, bà Vũ Thị Thu Thủy chia sẻ.
“Thay máu” lao động
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH), cho biết do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.
Theo ông Bình, lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.
Ông Bình đánh giá lao động ở khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
“Số lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 1,4 triệu người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống”, ông Bình nêu tiếp.
Do đó, Cục việc làm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng có những chính sách, chiến lược mạnh dạn, tức thời để khai thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hoá thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động, chuyên gia người nước ngoài; lao động bị thôi việc, mất việc làm …
Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung – cầu lao động cũng như thực hiện thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, khai trình sử dụng lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động.
Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
Xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xây chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Rà soát các quy định pháp luật về lao động, việc làm để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản. Đồng thời, hỗ trợ người lao động duy trì, ổn định cuộc sống trong bối cảnh ngưng việc, mất việc làm, giảm thu nhập.
Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất.
Thy Hằng