Để lãnh đạo, kỹ năng và tri thức phổ quát không đủ. Người lãnh đạo còn cần có một loại tri thức khác mà Aristotle gọi là phronesis.
Lãnh đạo và Quản lý là hai hoạt động khác nhau về bản chất. Plato, nhà triết học Hy Lạp thế kỷ V
trước Công nguyên, phân biệt ba thành phần chính trong xã hội: những người lao động, những người quản lý và những người lãnh đạo.
LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ
Người Lãnh đạo là người có khả năng phát hiện những vấn đề và cơ hội mới, vạch ra triết lý và những con đường mới, đưa ra mô hình mới để làm cho một tổ chức hay cả xã hội phát triển hướng tới một mục đích nào đó.
Người Quản lý là người tổ chức và điều phối hoạt động của các cá nhân, tổ chức hay của xã hội nói chung theo đúng mô hình, kế hoạch mà người Lãnh đạo đã vạch ra.
Những người lao động là thành phần chiếm đại đa số trong xã hội. Họ làm những công việc cụ thể rất đa dạng, với mức độ phức tạp khác nhau, có thể là lao động tay chân hay lao động trí óc.
Để là người lao động tốt, người ta cần có kỹ năng, tức là những tri thức gắn liền với một công việc cụ thể, mang tính công cụ, giống như là những bí quyết. Trong tiếng Anh, tri thức loại này gọi là “technique”, do có gốc là từ technè trong tiếng Hy Lạp.
Để trở thành người quản lý tốt, người ta cần có những tri thức phân tích, khoa học, mang tính khách quan, không phụ thuộc vào bối cảnh, thời gian và không gian. Trong tiếng Hy Lạp, loại tri thứ này gọi là episteme – từ đó ta có từ tiếng Anh “epistemology” – tri thức luận.
Để lãnh đạo, kỹ năng và tri thức phổ quát không đủ. Người lãnh đạo còn cần có một loại tri thức khác mà Aristotle gọi là phronesis. Đó là sự từng trải, khôn ngoan thực tế, một đức hạnh của trí tuệ. Plato chủ trương rằng nhà lãnh đạo cũng phải là nhà hiền triết.
Nói một cách giản dị, hoạt động quản lý dựa trên giả định về sự lặp đi lặp lại của những hoạt động được quản lý. Vì vậy, trong quản lý, người ta thường dựa vào các mô hình. Cũng vì vậy, quản lý gần với khoa học. Trái lại, hoạt động lãnh đạo phải căn cứ vào các tình huống cụ thể, dựa trên nhận thức rằng cuộc sống không bao giờ lặp lại. Mọi đồng đô la đều như nhau, nhưng không một giây nào lặp lại. Chính vì thế, lãnh đạo phải dựa vào trí tưởng tượng. Chính vì thế, lãnh đạo gần với nghệ thuật.
Tuy nhiên, sự nhầm lẫn thường thấy nhất là sự nhầm lẫn giữa Lãnh đạo và Quản lý. Điều này có một phần lý do là ranh giới giữa chúng thường mập mờ – cũng giống như các ranh giới khác trong đời sống xã hội và trong các khoa học nhân văn. Trong thực tế, người lãnh đạo thường phải tham gia quản lý, còn người quản lý thường cũng phải có sáng tạo theo tình huống, nghĩa là cũng phải ít nhiều có kỹ năng lãnh đạo.
YÊU CẦU CỦA THỜI ĐẠI
Những tiến bộ và thành tựu khoa học và công nghệ của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi tận gốc rễ mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó hoạt động lãnh đạo và quản lý cũng không phải là ngoại lệ.
Chúng ta đã nói nhiều đến sự ra đời hay biến mất của một số ngành nghề, sự gia tăng các công cụ quản lý tinh vi dựa trên trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và khả năng phân tích dữ liệu lớn.
Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự biến đổi của thực tiễn xã hội, tức là của đối tượng quản lý và lãnh đạo. Sự biến đổi ấy đang diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết, khiến cho các vấn đề mới không ngừng được đặt ra, các cơ hội mới không ngừng xuất hiện. Điều này có nghĩa là vai trò của người lãnh đạo ngày càng lớn hơn. Ví dụ cho điều này có rất nhiều. Chúng ta thấy vai trò của Steve Jobs gắn liền với những thăng trầm của Apple ra sao. Chúng ta thấy sự chậm trễ trong tầm nhìn khiến Yahoo phải trả giá như thế nào.
Nhưng câu chuyện không dừng ở đây. Sự biến đổi nhanh chóng của thực tiễn đời sống chuyển đổi rất nhanh còn tác động để cả hoạt động quản lý do các các mô hình rất nhanh bị lạc hậu. Điều này có nghĩa là sự quản lý dựa trên các mô hình, với các KPI (Key Performance Indicator – Chỉ số đánh giá thực hiện công việc), ngày càng kém hiệu quả. Càng ngày tự động hóa càng lấn sân quản lý.
Nhưng thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội phát triển thần kỳ, cho phép những start-ups nhỏ bé phát triển thần kỳ trong một thời gian ngắn để trở thành những con kì lân có doanh thu lên đến nhiều tỷ dollars Mỹ. Bí quyết ở đây là năng lực tưởng tượng và ý chí của nhà lãnh đạo.
Ngày nay, vai trò của người lãnh đạo quan trọng hơn bao giờ hết. Dù ở quy mô doanh nghiệp hay ở tầm quốc gia, người lãnh đạo giỏi phải là người có khả năng nắm bắt được những yếu tố không bao giờ lặp lại, những thời cơ không bao giờ lặp lại để đưa ra được triết lý chưa từng có, mô hình chưa từng có, với cách làm chưa từng có. Bên cạnh đó, người quản lý dần dần cũng phải trở thành những người lãnh đạo. Chúng ta có thể nói rằng xã hội tương lai là xã hội của những nhà lãnh đạo.
TS Ngô Tự Lập