Đây là hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020), là tình cảm truyền thống văn hóa tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Sáng 4/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã đến dâng hương tưởng niệm Đức vua Lý Thái Tổ tại Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Lễ dâng hương được thực hiện theo nghi thức truyền thống tại 3 địa điểm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, đó là: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ vua Lê Đại Hành và Bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ ở Hoa Lư.
Hoa Lư là kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, tồn tại 42 năm (968-1010) dưới 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và triều Lý.
Vua Đinh Tiên Hoàng (924-979) tên huý là Đinh Bộ Lĩnh, quê ở làng Đại Hữu (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Năm 968, sau khi thu phục 12 sứ quân, thống nhất quốc gia, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, dựng kinh đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình, thiết lập bộ máy nhà nước, đúc tiền, phát triển giao thương, phục hồi văn hóa dân tộc, đem lại quốc thái dân an.
Vua Lê Đại Hành (941-1005) có tên huý là Lê Hoàn, dưới triều Đinh được phong là Thập Đạo Tướng quân. Năm 980, Lê Hoàn kế nghiệp triều Đinh, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phúc.
Vua Lê Đại Hành có công lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam và giữ nền độc lập cho dân tộc. Ông còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.
Vua Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), quê quán tại làng Dương Lôi (phường Tân Hồ, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Tháng 11-1009, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, trở thành vị vua sáng lập triều Lý. Tháng 7-1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Đây là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược, đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt.
Trong không gian linh thiêng của Cố đô Hoa Lư hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội kính cẩn dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiên đế đã có công khai phá, dựng xây và bảo vệ giang sơn Việt Nam; lập nên Thăng Long – Hà Nội, linh thiêng hào hoa, nơi lắng hồn núi sông nghìn năm.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội nguyện cùng cán bộ và nhân dân Thủ đô gương mẫu xây dựng Đảng bộ thành phố và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã tới dâng hương tưởng niệm Đức vua Lý Thái Tổ tại Đền Đô, tỉnh Bắc Ninh nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2020).
Lễ dâng hương được thực hiện theo nghi thức truyền thống tại 2 địa điểm thuộc cụm Di tích lịch sử Đền Đô, gồm Di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý, Đền Rồng thờ Lý triều Thánh Hậu Lý Chiêu Hoàng.
Đền Đô thuộc làng Đình Bảng, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đền rộng 31.250m2 với trên 20 hạng mục công trình. Nơi đây thờ 8 vị vua nhà Lý đó là: Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138), Lý Anh Tông (1138-1175), Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224).
Đền Đô được khởi công xây dựng năm Canh Ngọ 1030. Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch nhằm kỷ niệm ngày vua Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15-3 năm Canh Tuất 1009), ban “Chiếu dời đô”. Đây là ngày hội lớn thu hút nhiều khách hành hương thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của nhân dân đối với các vị vua triều Lý.
Vua Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), quê quán tại làng Dương Lôi (phường Tân Hồ, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Tháng 11-1009, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, trở thành vị vua sáng lập triều Lý. Tháng 7-1010, Hoàng đế Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Đây là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược, đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Đại Việt.
Lý triều Thánh Hậu Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) là thứ nữ của vua Lý Huệ Tông. Nhà vua không có con trai nên bà được lập làm Thái tử và sau được truyền ngôi. Bà làm vua được 2 năm, đến năm 1255, bà kết duyên với Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) và sau đó nhường ngôi cho chồng.
Nguyễn Việt