Nhắc tới làng nghề truyền thống, hẳn không ai là không biết đến làng trống Đọi Tam – Duy Tiên – Hà Nam. Với lịch sử hàng nghìn năm phát triển, làng trống Đọi Tam đã và đang tạo ra vô số các sản phẩm trống bền, đẹp và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Giữa vùng đồng bằng sông Hồng, núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tuy không cao nhưng từ xưa đã được nhiều người biết đến. Dù có tới ba làng Đọi trong xã Đọi Sơn nhưng Đọi Nhất, Đọi Nhị không có làm trống mà duy chỉ có làng Đọi Tam là có nghề truyền thống làm trống.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Tương truyền năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã tự tay làm một chiếc trống to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm – ông tổ nghề của làng.
Hỏi thăm các nghệ nhân làm trống lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Để làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em.
Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít- loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ, hơn nữa “Gỗ mít đánh ít kêu nhiều“. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng “dăm“. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu “dăm“, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.
Ngoài ra, để cho trống thật kín người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt. Ðinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già. Dù trống làm bằng gỗ xoan, cầu kì hơn thì dùng gỗ gụ, gỗ dổi.
Theo thời gian, trống Ðọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp cũng như tinh thần trách nhiệm của những người nghệ nhân lành nghề. Đặc biệt, ngay cả những lúc khó khăn thiếu thốn nhất, làng trống Ðọi Tam vẫn bám nghề truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau.
Không giống với các làng nghề truyền thống khác, làng trống Đọi Tam từ xưa không truyền nghề cho con rể và con gái vì sợ bị lộ bí mật ra ngoài. Tuy nhiên, đến nay người Đọi Tam đã cho phép truyền nghề cho phụ nữ. Không chỉ truyền nghề cho nữ giới, làng Đọi Tam còn có cả đội trống nữ phục vụ tại các lễ hội ở địa phương và tham gia biểu diễn trên mọi miền Tổ quốc.
Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm trống tại làng Đọi Tam, chúng tôi được ông Lê Ngọc Minh – Trưởng thôn Đọi Tam chia sẻ: “Làng trống Đọi Tam được công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu của toàn quốc, sản phẩm trống Đọi Tam đã xuất bán qua các nước châu Âu. Nghệ nhân Đọi Tam vinh dự làm ra bộ trống hội phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng tự hào lớn nhất của chúng tôi là đã góp phần gìn giữ, tôn vinh được tiếng trống, một nét đẹp của văn hóa người Việt”…
Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, mặc cho có những lúc nghề tưởng như bị mai một, nhưng những người làm trống đích thực vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ.
Những sản phẩm trống tại đây mang đậm nét truyền thống của làng Đọi Tam luôn làm say đắm lòng người và nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa, giúp người dân làng nghề có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và quan trọng hơn cả, các nghệ nhân ở Ðọi Tam luôn tâm huyết, ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông để lại.
Huyền Chi