Chuyển tới nội dung

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: Gìn giữ tinh hoa trong xu thế mới

Làng tranh sơn mài Tương Bình Hiệp là cái nôi của ngành sơn mài tại khu vực Đông Nam Bộ. Với lịch sử hình thành hơn 300 năm, làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã trở thành một biểu tượng văn hóa của tỉnh Bình Dương và là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu về nghề truyền thống độc đáo này.

Nằm cách thành phố Thủ Dầu Một 7km về phía Bắc, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp “phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một” có lịch sử lâu đời. Theo tư liệu “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, do di dân từ miền Bắc và miền Trung mang theo vào vùng đất mới. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp ra đời vào thế kỷ XVIII, với nguồn nguyên liệu gỗ các loại và sơn dầu từ tỉnh Phú Thọ – một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ và bền.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Làng nghề sơn mài truyền thống vào ngày 5/12/2008 theo quyết định số 3855/QD- UBND. Ngày 6/4/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 1328/QĐ-BVHTTDL.

Làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại làng nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà theo tính cách Á đông. Làng nghề cũng có khả năng sản xuất đa dạng nhiều loại sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm trang trí như bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp…

Để tạo ra một bức tranh sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu qua 25 công đoạn khác nhau. Từ việc chọn nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình lâu dài. Một qui trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu.

Sản phẩm của làng sơn mài Tương Bình Hiệp có mẫu mã phong phú với hai loại sản phẩm là khảm và sơn mài.

Nói về làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương từng chia sẻ: Nghề sơn mài đã len lỏi vào đời sống người dân phường Tương Bình Hiệp từ khoảng những năm 1930. Trải qua nhiều thăng trầm, làng sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn đảm bảo mặt hàng chất lượng cao, mẫu mã phong phú với hai loại sản phẩm là khảm và sơn mài. Mỗi sản phẩm ở đây là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay, óc sáng tạo và cái nhìn tinh tế của nghệ nhân.

Sản phẩm sơn mài của Bình Dương chứa đựng đầy đủ 3 loại hình sơn mài truyền thống, đó là: Sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu, một loại chất liệu có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền, nghệ nhân tạo nên lớp men đen bóng đặc trưng cho những tác phẩm sơn mài Bình Dương.

Mỗi sản phẩm ở đây là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay, óc sáng tạo và cái nhìn tinh tế của nghệ nhân.

Là người đã gắn bó 45 năm trong nghề sơn mài ở Thủ Dầu Một, nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh cho biết, để hoàn thiện một tác phẩm sơn mài nghệ thuật với vẻ đẹp lộng lẫy và sâu lắng đòi hỏi cả tâm huyết của người thợ. Sản phẩm sơn mài nói chung có rất nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng kết hợp trên các chất liệu gỗ gồm tre. Qua đó sản phẩm đã chinh phục nhiều thị trường khó tính.

Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh chia sẻ giới thiệu về những tác phẩm của những nghệ nhân tiêu biểu mà ông sưu tầm.

Những bức tranh thu hút giới sưu tầm bởi sự tinh xảo trong từng chi tiết. Các nghệ nhân không ngừng hoàn thiện kỹ thuật để đào tạo lớp kế thừa ngành nghề cổ truyền và không ngừng phát triển. Giàu bản sắc là vậy nhưng sản phẩm cũng đối mặt nhiều thách thức do điều kiện kinh tế thị trường khiến thị hiểu tiêu dùng ngày càng có nhiều chủng loại sản phẩm cạnh tranh. Bên cạnh đó thế hệ trẻ hiện nay cũng có phần xa lạ với giá trị truyền thống của sản phẩm.

Giữ lửa nghề truyền thống trong xu thế mới

Nghề sơn mài truyền thống những năm gần đây đã từng bước được các nghệ nhân sáng tạo, kết hợp nhiều chất liệu mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường.

Để bắt kịp với thời đại số, nhiều cơ sở sản xuất đã “chuyển mình” khi áp dụng vào nhiều công nghệ, máy móc kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều phôi, mẫu, hình vẽ đa dạng hơn, không chỉ ở những bức tranh cảnh vật làng quê, phong cảnh… mà còn là những sản phẩm mới để phù hợp với xu thế và mỹ quan của người tiêu dùng.

Cũng trong thời gian qua, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp trong xu thế hội nhập, đồng thời giúp sản phẩm truyền thống của Bình Dương vươn xa không chỉ trong nước mà còn tỏa khắp các thị trường trên thế giới, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển các ngành nghề nông thôn ở địa phương, trong đó có nghề sơn mài.

Các cháu học sinh được thăm quan trải nghiệm thực tế làm sơn mài qua những công đoạn đơn giản như điêu khắc, sơn, tạo hình, khảm tranh…

Năm 2023,UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt điều chỉnh đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn Tp.Thủ Dầu Một”.  Việc điều chỉnh phê duyệt đồ án hướng đến mục tiêu xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề.

Đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Trong năm 2024, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã thành lập câu lạc bộ sưu tập sơn mài truyền thống phường Tương Bình Hiệp. Câu lạc bộ ra đời nhằm sưu tầm, lưu giữ những sản phẩm sơn mài truyền thống của cha ông, cũng như lưu giữ tay nghề tài hoa của các nghệ nhân; qua đó để lại cho thế sau những kỹ thuật làm tranh sơn mài nức tiếng từ xưa đến nay.

Đồng thời, hoạt động của Câu lạc bộ nhằm tôn vinh những tác phẩm tranh sơn mài, góp phần phát huy giá trị truyền thống làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng nghề sơn mài đã biết kết hợp nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới để vừa bảo tồn truyền thống, vừa đáp dứng xu hướng thị trường.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, bên cạnh nỗ lực bảo tồn, gìn giữ những nét truyền thống của làng nghề thì việc phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm sơn mài gắn với ứng dụng công nghệ số, để nghề sơn mài không lạc hậu, luôn bắt kịp với thời đại công nghệ.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở đã và đang phối hợp cùng với địa phương, các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch để tổ chức tuyên truyền quảng bá làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp trên Website Du lịch Bình Dương, Website Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương; phối hợp với địa phương, các Sở, ban, ngành định kỳ tổ chức hoạt động triển lãm, hội thảo, hội chợ, giỗ Tổ ngành sơn mài nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối các cơ sở sản xuất với thị trường tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất phát triển sản phẩm sơn mài Bình Dương, kết hợp nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới để vừa bảo tồn truyền thống, vừa đáp ứng xu hướng thị trường.

Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội thảo, hội chợ, mở rộng thị trường, tìm kiếm nguyên vật liệu trong và ngoài nước, và nâng cao tư duy sản xuất, thiết kế.

Ngoài ra, phối hợp với các điểm du lịch giới thiệu sản phẩm sơn mài, xây dựng khu trưng bày trong làng nghề, phục vụ du khách trải nghiệm và mua sắm. Quảng bá thông tin qua website và app Du lịch Bình Dương.

Trí Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved