Chuyển tới nội dung

Làng nghề rối nước Đào Thục: Lưu giữ và phát triển tinh hoa nghệ thuật rối nước

Với lịch sử gần 300 năm, làng nghề múa rối nước Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) đã và đang sản sinh ra những nghệ nhân múa rối tài ba của dân tộc. Theo thời gian, nghệ thuật múa rối nước tại đây chính là sự kết tinh của quá trình sáng tạo, lao động của người nông dân, gắn liền với nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 25km, làng nghề múa rối nước Đào Thục tọa lạc tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Xung quanh nơi đây được bao phủ bởi những cánh đồng lúa bạt ngàn.

Theo những nghệ nhân có tuổi trong làng kể lại: Trước đây làng nghề múa rối nước này có tên là Đào Xá. Đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888) được đổi thành Đào Thục. Từ “Thục” trong “Đào Thục” có nghĩa là thục nữ, đoan thục. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vùng đất Thụy Lâm này có rất nhiều người con gái nết na, xinh đẹp. Bởi vậy, trong thơ ca đã có câu “Đào Xá có đất trồng bông/Con gái ra đồng trông tựa tiên sa”.

0918_Ynh_trang_15 - Copy

 Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục có hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp

Làng nghề múa rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Lúc bấy giờ, trong làng có một người tên là Nguyễn Đăng Vinh. Ông giữ chức vụ Nội giám dưới thời nhà Lê. Ông yêu bộ môn nghệ thuật rối nước và truyền bá rộng rãi đến nhiều đời sau. Khi còn làm quan, ông thường biểu diễn để phục vụ trong triều đình.

Sau này khi ông mất, người dân làng nghề đã phong thần, lập bia để vinh danh công lao của ông. Vào ngày giỗ ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề.

Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục lấy mặt nước làm sân khấu, lấy sự tinh tế, công phu trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn. Những nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục là những người nông dân, những người thợ thủ công…mang trong mình đam mê với môn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Trải qua nhiều thăng trầm, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã trở thành một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của huyện Đông Anh.

Những con rối được chính những người trong làng Đào Thục làm. Các con rối thường cao khoảng 30 – 40cm, được làm bằng gỗ và phủ sơn bên ngoài để chống thấm nước. Mỗi con rối đều được điêu khắc theo hình tượng nhân vật, con vật trong những câu chuyện dân gian của Việt Nam.

Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá, các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh…

Có dịp tới thăm xã Đào Thục vào một ngày đầu hè, vừa bước tới sân khu vực thủy đình, chúng tôi đã cảm nhận được sự tất bật của những người nghệ nhân nơi đây khi họ đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới.

Tận mắt chiêm ngưỡng những con rối, chúng tôi không khỏi bất ngờ thấy hình thái các con rối với đa dạng sắc màu: đỏ, đen, xanh, vàng,… thật bắt mắt. Mỗi con rối đều tượng trưng cho một nhân vật cổ trong dân gian, mỗi cá thể chúng mang một thần thái rất riêng, đặc biệt là những đường nét trên khuôn mặt: hiền lành có, hài hước có và hung hãn cũng có.

Đến với rối nước Đào Thục, người xem không chỉ được vui vẻ, thư giãn mà còn có dịp thưởng thức những giai điệu dân ca mượt mà, tha thiết của những câu hát giao duyên thắm đượm hồn quê này. Để đáp lại những tình cảm chân tình mà khán giả dành cho, phường rối nước Đào Thục đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra những tiết mục mới lạ, làm cho nó trở nên thú vị, đặc sắc và hấp dẫn hơn. Cũng vì thế mà phường rối Đào Thục đã mở rộng liên kết với nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa…để đưa du khách về làng xem biểu diễn rối nước.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, người dân Đào Thục vẫn lưu giữ nghề rối nước như một báu vật của làng. Nhiều gia đình, dòng họ trong làng đã có 5 đời giữ nghề rối nước. Hết thế hệ trước đến thế hệ sau, họ truyền cho nhau bí quyết của nghề. Để gắn bó được với nghề, họ cùng nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ những vui buồn trong nghề, cùng nhau đổi mới để phù hợp với sự chuyển mình của thời đại.

Huyền Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved