Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, người dân làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn – Bắc Giang) luôn chăm chút, gìn giữ và phát triển thương hiệu mỳ Chũ. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của làng nghề mỳ Chũ đã giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Đi dọc quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía đông, du khách sẽ đến thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn và được người dân nơi đây giới thiệu đến làng nghề mì gạo Nam Dương, còn gọi là mì Chũ ngon nức tiếng gần xa.
Thôn Thủ Dương chỉ cách thị trấn Chũ một cây cầu bắc qua sông Chũ. Cũng như nhiều địa phương khác ở Lục Ngạn, Thủ Dương trồng khá nhiều vải thiều nhưng thu nhập chính của người dân trong thôn lại từ nghề làm mì gạo.
Theo các cụ cao niên trong làng: Quy trình sản xuất mì Chũ được làm tỉ mỉ và cẩn thận, đòi hỏi kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm của người dân làng nghề. Để tạo ra những sợi mì vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu.
Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Loại gạo được dùng là gạo bao thai Hồng. Giống lúa tạo ra loại gạo này được trồng trên vùng đất đồi Chũ. Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm.
Những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, đem ngâm 6 – 8 tiếng, sau đó xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.
Từ tờ mờ sáng, người làm bánh đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Bánh tráng chỉ được phơi khi trời nắng, nếu thời tiết không thuận lợi người làm nghề sẽ dừng việc sản xuất, nếu không bánh đưa vào lò sấy không đảm bảo chất lượng.
Khi bánh khô sẽ đem trần mỡ (mỡ lợn đã rán) rồi ủ, gấp bánh để sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại tiếp tục đem phơi khô, bó thành từng bó mì và đóng gói thành phẩm.
Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng. Người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn…
Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt trông đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải là người làm mì nào cũng thực hiện được. Thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mì chắc, đẹp và đều nhất.
Cũng theo chị Nguyễn Thị Hoàng, một hộ làm mì ở thôn Thủ Dương cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đã trải qua 4 đời. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm từ 80-120 kg gạo, trừ chi phí còn lãi 300- 400 nghìn đồng. Dịp gần Tết Nguyên đán nhu cầu tăng, có gia đình làm tới 300- 400 kg gạo, tăng gấp đôi so với ngày thường”.
Những ngày tháng 10 có dịp về tới làng mì Chũ, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên mì trắng trải dài thẳng tắp, trước sân của các hộ dân là một màu trắng của những phên mì nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Bên đường là những quầy hàng bày bán nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của huyện Lục Ngạn nhưng nhiều nhất vẫn là những gói mì Chũ được gói bọc trong túi và trong hộp. Nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên trai tráng đều tham gia làm mì, mỗi người một công đoạn, thuần phục, lành nghề.
Có lẽ vì thế, mà sản lượng mì Chũ làm ra ngày một nhiều hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh mà còn phục vụ các đơn đặt hàng đi khắp các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội… và thậm chí theo chân khách du lịch ra nước ngoài.
Đi qua nhiều năm nay, đặc sản mỳ Chũ luôn là niềm tự hào của mỗi người dân vùng Lục Ngạn. Món ăn làm từ gạo bình dị và dân dã này cũng ngày càng phổ biến trong bếp ăn của gia đình người Việt. Bên cạnh đó, với sự hòa quyện giữa đặc sản gạo quê, nguồn nước trong lành bên bờ sông Lục, cùng đôi bàn tay nghệ nhân khéo léo đã làm nên thương hiệu mỳ Chũ hôm nay.
Huyền Chi