Trải qua hơn 300 năm lịch sử, mặc cho bao biến cố và thăng trầm của thời gian nhưng nhờ niềm đam mê và tình yêu với nghề truyền thống, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang) vẫn không hề đổi thay và ngày càng phát triển thịnh vượng.
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến thuộc thôn Phúc Tằng nằm kề bên Quốc lộ 1A, cách Tp Bắc Giang 7km về hướng Tây, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất Việt Yên văn hiến của Bắc Giang không chỉ có danh lam cổ tự Bổ Đà là trung tâm phật giáo lớn đất Bắc Giang, mà còn là nơi khai sinh ra nghề đan lát truyền thống.
Tương truyền, làng nghề Tăng Tiến đã có từ thời nhà Hậu Lê, qua bao lần thăng trầm theo thời gian, người dân nơi đây vẫn một lòng gắn bó, thủy chung với nghề đan tre.
Vốn là một xã thuần nông, người dân Tăng Tiến chủ yếu gắn bó với đồng ruộng. Khi đó, nghề mây tre đan vẫn chỉ là một nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn.
Tuy nhiên, về lâu dài, từ cái nghề “làm chơi cho vui, kiếm đồng ra đồng vào”, nghề mây tre đan đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây và trở thành nghề truyền thống của xã Tăng Tiến.
Theo lời kể của các nghệ nhân làng nghề Tăng Tiến: Để làm nên một sản phẩm mây tre Tăng Tiến đối với người thợ đó là một qúa trình sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn.
Những cây tre đem về phải mang cắt thành những đoạn nhỏ rồi đến tay người thợ. Họ mang chẻ ra thành những chiếc nan nhỏ như những chiếc tăm nhưng có độ dài 30 đến 40 cm, đặc biệt có khi họ chẻ thủ công. Thế nhưng họ chẻ rất nhanh, điêu luyện và những chiếc tăm đều tăm tắp.
Sau đó, từng bó tăm được đem phơi khô. Một khâu đặc biệt quan trọng là nhuộm tăm, để tạo màu, độ bền cho mành tăm, chống mối mọt, đặc trưng của Tăng Tiến. Để tạo ra những sản phẩm bền đẹp, người thợ đem dệt từng chiếc tăm nhỏ thành mành, với những màu chỉ khác nhau kết hợp với màu của tăm mà tạo nên những sản phẩm đa màu sắc, mẫu mã, vừa đẹp mà vừa bền.
Không chỉ nổi danh với các sản phẩm truyền thống lâu năm, làng nghề Tăng Tiến còn bắt kịp với xu thế của thời đại, luôn tân trang, thích nghi với những yêu cầu của xã hội. Không riêng gì chất lượng, mà mẫu mã, kiểu dáng, tính thẩm mỹ của sản phẩm mây tre cũng ngày càng được chú trọng.
Cho đến nay mây tre đan đã trở thành nghề chính của người dân trong làng với khoảng 70% số hộ dân (6.000 lao động) thành thục nghề. Các sản phẩm của làng ngày càng phong phú về thể loại, hình dáng, chất lượng cũng ngày một ổn định hơn.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm gia dụng, những người thợ lành nghề Tăng Tiến còn sử dụng đôi bàn tay khéo léo thiết kế những mẫu túi xách, ví, gối,… những đồ lưu niệm có giá trị và trở thành món quà mà khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng. Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến giờ đây đã có tiếng trên thị trường trong nước và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu…
Đến với làng Tăng Tiến, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất mây tre đan mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Những sản phẩm mây, tre đan với đủ màu sắc được tạo ra dưới những đôi bàn tay lành nghề của các nghệ nhân trong làng khiến chúng tôi không khỏi thích thú, tò mò. Chỉ từ những loại cây có sẵn trong tự nhiên: cây mây, nứa, giang… các nghệ nhân đã thổi hồn vào chúng, tạo ra những sản phẩm tinh xảo làm mê đắm lòng người. Những sản phẩm này không chỉ làm vật dụng trong gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê mà còn mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng và yếu tố thẩm mỹ.
Huyền Chi