Từ lâu, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) đã là một trong số các làng nghề truyền thống nổi tiếng với lịch sử hàng nghìn năm phát triển. Nhắc tới khảm trai Chuyên Mỹ, nhiều người nghĩ ngay tới các nghệ nhân ngày đêm cần mẫn cho ra mắt thị trường các sản phẩm lớn nhỏ, tinh xảo và đa dạng.
Nằm bên sông Nhuệ, xã Chuyên Mỹ nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống. Nghề khảm trai Chuyên Mỹ đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ có từ thời Lý. Tổ nghề là ông Trương Công Thành – Phó tướng của Lý Thường Kiệt. Tương truyền, sau khi giúp Lý Thường Kiệt dẹp giặc xong, ông từ quan đi ngao du sơn thuỷ.
Đến một vùng biển, thấy những mảnh vỏ trai, ốc, sò trôi dạt vào bờ với màu sắc tự nhiên, ông nảy sinh ý tưởng ghép thành các hoạ tiết hoa văn sinh động và truyền nghề cho người Chuyên Mỹ. Ban đầu, những sản phẩm khảm trai, ốc chỉ được dùng ở cung đình hay những nhà giàu có, quyền quý. Theo thời gian, các sản phẩm này đã có mặt ở nhiều gia đình Việt và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Hỏi thăm các nghệ nhân khảm trai lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm là vỏ trai, vỏ ốc được làm sạch, cắt, xẻ, làm nhẵn, dùng lửa làm phẳng. Những miếng vỏ trai, vỏ ốc “vô tri, vô giác” qua bàn tay của người thợ khảm, được gắn lên những đồ vật, bức tranh, đã trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Để đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường trong nước và quốc tế, nguyên liệu khảm cũng ngày càng đa dạng, đặc biệt hơn. Nếu như trước đây, nguyên liệu chủ yếu là vỏ trai, ốc được mua về từ các tỉnh ven biển như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định… thì hiện nay, để tăng chất lượng, các nghệ nhân ở Chuyên Mỹ đã sử dụng nhiều loại ốc đặc biệt được nhập từ: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…Ngoài vỏ trai, vỏ ốc, nay có thêm cả vàng, bạc, ngọc trai… Do đó, nhiều sản phẩm tạo ra có giá trị lên tới hàng trăm triệu.
So với các làng nghề khác, Chuyên Mỹ được đánh giá là một trong những xã giàu của huyện Phú Xuyên. Xã có 7 làng thì cả 7 làng được công nhận làng nghề khảm trai, sơn mài, chế biến nguyên liệu khảm trai… Đặc biệt, nghề khảm trai truyền thống ngày càng tạo được đột phá mới, đem lại lợi ích kinh tế cao cho hơn nhiều hộ dân tại các thôn: Chuôn Ngọ, Chuôn Trung, Chuôn Thượng…
Những ngày cuối năm, có dịp đặt chân tới mảnh đất Chuyên Mỹ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến không khí nhộn nhịp, khẩn trương, tấp nập của những người làm nghề. Họ tỉ mỉ, cần mẫn và làm việc ngày đêm để tạo ra những tác phẩm tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật cao.
Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm khảm trai truyền thống tại Chuyên Mỹ, chúng tôi nhớ lại câu chuyện ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: “Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề không chỉ đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của huyện Phú Xuyên mà còn tạo cơ hội cho người dân cải thiện cuộc sống, giải quyết vấn đề lao động cho cả người già, trẻ em, thanh niên và cả những người khuyết tật… Ngoài những giá trị về mặt kinh tế, các làng nghề tại Phú Xuyên rõ ràng rất có tiềm năng về du lịch”.
Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, mặc cho có những lúc nghề tưởng như bị mai một nhưng những người thợ khảm trai đích thực vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ.
Những mặt hàng khảm trai mang đậm nét truyền thống của Chuyên Mỹ vẫn luôn làm say đắm lòng người và nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa, giúp người dân làng nghề có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và quan trọng hơn cả, Chuyên Mỹ đã trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề điển hình trong số các làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Huyền Chi