Trong cái rét buốt thấu xương và mưa phùn báo hiệu mùa đông đang vào độ khắc nghiệt nhất trong năm, người dân tại làng nghề hoa và cây cảnh Phương Viên (xã Tân Phương, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) vẫn ngày ngày hối hả, cần mẫn chăm bón những luống hoa đã lên mầm, non mỡn, hứa hẹn cho một vụ hoa xuân “bội thu”.
Theo lời kể của các cụ trong làng: Làng nghề trồng hoa và cây cảnh Phương Viên đã duy trì và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh trên 30 năm. Ban đầu, người dân chủ yếu trồng những giống hoa có truyền thống như hoa cúc, hoa hồng.
Theo cơ chế thị trường, nhu cầu và thị hiếu chơi hoa của khách hàng ngày càng cao, người dân đã trồng thêm các loại giống mới như cúc Hà Lan, cúc mâm xôi, các loại hoa hồng Pháp, hoa hồng tỉ muội, hoa ly…
Hoa được trồng quanh năm nhưng tết là một trong ba vụ thu hoạch chính để cung ứng cho thị trường. Những năm gần đây, doanh thu từ trồng hoa tươi ước đạt 1,7 tỷ đồng/năm, hoa đào ước đạt 600 triệu đồng/vụ. Trong đó vào vụ tết doanh thu từ trồng hoa tươi chiếm tới 30% doanh thu cả năm.
Song song với việc trồng hoa, cây cảnh cũng là một thế mạnh của làng Phương Viên với nhiều giống cây có thương hiệu, nhiều nhà vườn có tiếng. Không chỉ cung cấp cây giống, cây phôi cấp 1,2, nhiều loại cây nghệ thuật đủ các tầng lớp từ một tay, hai tay, ba tay đến sáu tay cũng được các nghệ nhân tại đây tạo tác, đem lại vẻ đẹp độc đáo. Bên cạnh những giá trị về kinh tế, cây cảnh tại làng nghề Phương Viên còn được các nghệ nhân ở đây “thổi hồn” để mỗi cây đều mang một giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc.
Có dịp về thăm làng nghề trồng hoa và cây cảnh Phương Viên vào một chiều cuối năm, không khó để bắt gặp hình ảnh xanh ngút ngàn của các loài hoa đua nhau khoe sắc. Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao, phong trào chơi hoa, cây cảnh cũng diễn ra đều trong suốt cả năm, nhu cầu tiêu thụ các loại hoa cũng tăng đáng kể thế nhưng Tết Nguyên đán chính là thời điểm cung cấp số lượng hoa, cây cảnh lớn nhất ra thị trường và cũng là “mùa gặt” mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm cho những người trồng hoa.
Vừa thoăn thoắt đôi bàn tay chăm hoa, ông Nguyễn Xuân Nho (một người dân làng nghề Phương Viên) chia sẻ: “Chúng tôi phải thường xuyên canh ngoài đồng hoa, theo dõi hoa và dùng điện thắp sáng mỗi đêm để làm cho cây non hơn, chậm ra hoa cùng với tăng cường các biện pháp trị sâu bệnh. Trồng và chăm sóc đã vậy, đến thời điểm đánh hoa sang chậu, chúng tôi cũng phải xử lý kỹ thuật để một số loại hoa như thược dược, hoa hồng, cúc… vẫn xanh tốt, nụ to, nhiều nụ mà thân hoa không cao thêm”.
Có thể thấy, trồng hoa và cây cảnh ở làng nghề Phương Viên đã và đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Những đôi bàn tay gầy gộc, chai sạn theo năm tháng để nâng niu, chăm chút từng nhánh lá, nụ hoa tô điểm cho ngày xuân, cho cuộc đời thêm trọn vẹn càng khiến người ta phải trân quý hơn.
Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, những cây hoa cũng dần được thay đổi tập quán, từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang sản xuất hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng thị trường, tiến tới đề nghị công nhận nhãn hiệu hàng hoá bền vững; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một bộ phận lao động của làng nghề và địa phương, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch của huyện Thanh Thủy nói riêng và toàn tỉnh Phú Thọ nói chung.
Huyền Chi