Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đang được tỉnh Bình Thuận nỗ lực bảo tồn và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Làng gốm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) là một làng nghề nổi tiếng có từ lâu đời, gắn chặt với đời sống, phong tục tập quán của người Chăm địa phương. Đây là nghề mang tính chất “mẹ truyền con nối” từ đời này qua đời khác, với hầu hết các khâu trong quy trình làm gốm như: đập, ủ, nhào trộn đất, nặn sản phẩm ướt, phơi gốm, chỉnh hình, làm bóng trước khi nung… đều do phụ nữ Chăm đảm trách. Các công việc nặng nhọc hơn như vận chuyển nguyên liệu, nung gốm… thì do những người đàn ông thực hiện.
Điều độc đáo của gốm Chăm là các công đoạn đến nay vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn kỹ thuật và phương thức thủ công truyền thống có từ xa xưa. Từ việc lấy đất sét, chế biến, pha trộn đất, nhào nặn sản phẩm, chỉnh hình, chà bóng đến khâu nung gốm, chế nước nước màu trang trí lên gốm sau khi nung… đều được người nghệ nhân thực hiện theo lối thủ công truyền thống được truyền dạy từ đời trước.
Kỹ thuật nhào nặn gốm Bình Đức không dùng bàn xoay, mà thực hiện bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và những bước chân theo nhịp điệu nhẹ nhàng, di chuyển xoay quanh chiếc bàn kê cố định của phụ nữ Chăm, đã biến những mảng đất sét rời rạc thành sản phẩm hết sức tinh tế. Đây là cách làm gốm từ thời kỳ sơ khai của loài người, đã ra đời cách đây hàng ngàn năm. Sau này, phần lớn những nghệ nhân gốm trên thế giới đã chuyển sang kỹ thuật hiện đại hơn như dùng bàn xoay.
Từ đất sét làm ra sản phẩm gốm Chăm là một quy trình nhiều công đoạn, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tính cần mẫn và tỉ mỉ. Các sản phẩm gốm đều làm bằng tay với dụng cụ thô sơ không có nghĩa là lạc hậu, đó là một nét đẹp truyền thống đáng được trân trọng, bảo tồn và phát triển. Dù kỹ thuật cổ xưa nhưng sản phẩm gốm Chăm Bình Đức rất đa dạng, từ đồ đun nấu như nồi, ấm, khuôn bánh…cho đến đồ lưu trữ như lu, chum, chậu…
Ngày nay, bên cạnh sản xuất những sản phẩm đa dạng và tiện lợi phục vụ đời sống con người, gốm Chăm truyền thống còn đóng vai trò đặc biệt trong văn hóa ẩm thực. Gốm Chăm Bình Đức hiện diện tại nhiều nhà hàng, khách sạn và các gia đình, góp phần giúp các món ăn vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt. Các sản phẩm gốm Chăm truyền thống đã đi vào nhiều gian bếp của người Chăm và người Việt, như nồi nấu cơm, trã dùng kho cá, ấm dùng sắc thuốc, dụ dùng nấu bánh tét, bánh chưng… Nhiều người cho rằng sử dụng sản phẩm gốm Chăm Bình Đức để nấu nướng, chế biến thức ăn sẽ ngon miệng hơn các dụng cụ bằng nhôm hay inox.
Ngoài ra, nghề gốm truyền thống của người Chăm cũng là tài nguyên hết sức độc đáo để địa phương phát triển du lịch, góp phần bảo tồn làng nghề và mang lại lợi ích kinh tế – xã hội. Vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đưa làng gốm Chăm Bình Đức trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo đề án, Bình Thuận sẽ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp với trình diễn nghệ thuật làm gốm, nung gốm và các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống của người Chăm phục vụ du khách; xây dựng và phát triển các tour du lịch đến tham quan, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nghề gốm thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm và các sự kiện du lịch.
Tỉnh Bình Thuận dự kiến mở các lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ người Chăm địa phương; đưa nghệ nhân đến làng gốm Chăm tại Ninh Thuận học hỏi phương thức và kỹ thuật làm gốm phục vụ mục đích trang trí, làm quà lưu niệm du lịch, qua đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của du khách và thị trường.
Theo VOV