Nghề dệt lụa ở làng Vạn Phúc quận Hà Đông (này thuộc phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tinh xảo trên vải. Với những ai yêu lụa Vạn Phúc, khi về nơi đây như được trở lại cội nguồn với nhiều nét xưa cũ.
Làng lụa Vạn Phúc vốn tồn tại hơn một nghìn năm, là một trong những làng lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam. Đây cũng chính là cái nôi lụa gấm nước ta lưu giữ được những nét truyền thống và đặc trưng vốn có của vùng quê thanh bình giữa lòng thành phố ồn ào, đông đúc.
Ghé Làng lụa Vạn Phúc vào một ngày nắng đẹp, du khách sẽ ngỡ như đang lạc vào một thế giới khác với bầu không khí cổ kính, dung dị và bình yên. Du khách vẫn được ngắm nhìn những biểu tượng của một thời vàng son như cây đa, giếng nước, sân đình và những phiên chợ.
Làng lụa Vạn Phúc ngày nay được kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống và hiện đại. Bên trong làng lụa, khu chợ lụa Vạn Phúc là nơi giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm đến du khách. Mỗi một cửa hàng lại có cách bài trí riêng nhưng đều có cùng điểm chung đó là màu sắc luôn rực rỡ, tươi mới. Bên cạnh đó, các gian hàng còn bài trí rất nhiều các mẫu mã sản phẩm từ khăn, áo, quần, áo dài, cũng như các sản phẩm trang trí được làm từ lụa.
Cả làng hiện có hơn 800 hộ dân làm nghề. Nhiều gia đình nơi đây vẫn còn giữ lại những khung dệt từ thời cha ông để lại, bên cạnh những khung dệt cơ khí hiện đại hơn.
Đối với người dân Vạn Phúc, mỗi dải lụa là kết quả của quá trình trồng dâu nuôi tằm kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt. Họ xem đó là kết tinh của đất trời, thấm đượm công sức, tài hoa của những nghệ nhân.
Đem về đặc sản quý giá của quê hương, gửi tặng sản vật quý nhất của làng cho các bậc cao niên đáng kính, đáng trọng còn có ý nghĩa nào bằng. Sắc thái văn hóa nghề nghiệp ở làng dệt Vạn Phúc thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của con người Việt Nam.
Ở bất kì công đoạn nào người nghệ nhân cũng phải hết sức cẩn thận, túc trực theo dõi 24/24, ngay cả khi công đoạn máy móc thực hiện. Ngày xưa nếu như lụa chỉ may được áo cánh, áo sơ mi thì bây giờ lụa đã được dùng để may vest, các bộ váy hiện đại, hợp thời.
Chất liệu chính vẫn là tơ tằm nhưng để phong phú hơn thì người thợ kết hợp với nhiều chất liệu vải khác để cho ra các dòng sản phẩm mới, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sáng tạo thêm kiểu mẫu khác như khăn quàng, túi, chăn… với đa dạng mẫu mã cho du khách lựa chọn.
Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ. Ngày nay, ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây để yên tâm lựa chọn mua sắm.
Lưu Kỳ