Nhắc đến làng dệt tơ lụa đẹp và nổi tiếng tại Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến cái tên làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội) với những đường thêu chỉ và mẫu hoa văn tinh tế. Đặc biệt, đây còn là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.
Từ trung tâm Hà Nội, để đến thăm làng lụa Vạn Phúc, du khách đi qua đường Nguyễn Trãi tới bưu điện Hà Đông rồi sau đó rẽ phải; hoặc có thể đi theo tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. Mặc dù, quá trình đô thị hóa hiện nay đang diễn ra nhanh chóng nhưng làng lụa Vạn Phúc Hà Đông vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính vốn có của nó.
Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng: Cách đây khoảng 1200 năm, bà Lã Thị Nương, một người con gái Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã có công đem những bí quyết dệt lụa truyền dạy cho dân làng. Sau khi mất, bà được phong là thành hoàng làng.
Theo thời gian, lụa Vạn Phúc ngày càng trở nên bền đẹp. Cái nét đẹp đặc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người nghệ nhân làng Vạn Phúc. Cũng có lẽ vì thế mà năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc đã được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và đã được người Pháp đánh giá là 1 trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất sang những nước Đông Âu và cho đến nay lụa Hà Đông vẫn được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.
Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đang đi đầu trong ngành dệt lụa nước ta. Lụa làng Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.
Nguyên liệu làm lụa Vạn Phúc chủ yếu là từ tơ tằm vì độ mềm mại, dẻo dai của nó. Để tạo ra những sản phẩm tơ lụa hoàn hảo, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn kì công như tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, phơi căng… Ở bất kì công đoạn nào người nghệ nhân cũng phải hết sức cẩn thận, túc trực theo dõi ngay cả khi công đoạn cần đến máy móc thực hiện.
Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại mẫu mã đa dạng. Hoa văn có bốn loại: động vật, thực vật, đồ vật, hình họa. Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa Vân, loại lụa này có hoa nổi thì bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng.
Có dịp về thăm làng lụa Vạn Phúc vào một ngày đầu Xuân Nhâm Dần, du khách không khó để bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường, các hộ kinh doanh trang hoàng những gian hàng lụa với nhiều gam màu sặc sỡ. Những gian hàng nằm san sát nhau bày bán các loại từ quần áo, áo dài, khăn quàng, túi xách làm bằng tơ tằm, lụa sa tanh hoa, đũi, sa, quế … đủ màu sắc và hoa văn tinh tế.
Đặc biệt, một trong những sản phẩm được bà con tiểu thương giới thiệu cho du khách là những sản phẩm gắn liền với ngày xuân như áo dài, khăn choàng… luôn được trang trọng đặt tại những vị trí thuận tiện, dễ dàng cuốn hút.
Trao đổi với phóng viên, bà Bích – chủ cửa hàng Lụa Vạn Xuân cho biết: “Thời điểm đông khách nhất vào tháng 3, là lúc nhiều người đến mua quần áo. Tháng 8, du khách sẽ săn đón vải và khăn, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì lượng khách đến mua có phần giảm hẳn”…
Trong những năm tháng thịnh vượng, làng Vạn Phúc có gần 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm 60 % số hộ sinh sống tại làng nghề. Với hơn 1000 máy dệt, hàng ngày khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây. Mỗi năm làng nghề này sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải.
Có thể thấy, từ một sản phẩm của một làng nghề truyền thống, lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần để trở thành sản phẩm văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung.
Điều này cũng dường như đã cắt nghĩa, tại sao giữa Sài Gòn hoa lệ, ồn ã trong thời kỳ chế độ cũ cuối thế kỷ trước, sắc áo lụa Hà Đông lại làm dịu mát những tâm hồn thi sĩ:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
(Trích bài thơ Áo lụa Hà Đông – thi sĩ Nguyên Sa).
Huyền Chi