Chuyển tới nội dung

Làng gốm Hương Canh: Dấu ấn làng cổ hàng trăm năm tuổi

Nhắc tới làng gốm truyền thống, nhiều người vẫn thường nghĩ ngay tới những cái tên quen thuộc như: Bát Tràng, Phù Lãng, Thanh Hà… Dẫu còn nhiều gian nan cho hành trình trở lại của làng nghề song gốm Hương Canh vẫn đang từng ngày trỗi dậy và mang lại hơi thở đương đại.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng.

Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề gốm sành.

gomhuongcanh4

Điểm nhấn tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh

gom4

Gốm Hương Canh đẹp ở sự mộc mạc và giản dị. 

Cuộc sống người dân đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm. Gốm Hương Canh nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén… Có lẽ vì thế, mà người đời sau vẫn hay truyền nhau câu hát:

“Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng”

Hỏi thăm các nghệ nhân gốm lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Quy trình sản xuất ở gốm Hương Canh có 5 khâu chính: làm đất, chuốt, tạo hình, sửa dáng và đun lò. Các khâu này được chuyên môn hoá đến mức từng dòng họ làm một khâu riêng. Vì các khâu tạo nên giá trị chung của thành phẩm nên tất cả mọi người đều có ý thức cao trong công việc mình đảm nhận.

gom3

Đứng trước nguy cơ lửa lò dần nguội, vẫn còn những người nghệ nhân đã và đang nỗ lực tìm chỗ đứng mới cho gốm Hương Canh.

Bên cạnh đó, điểm nhấn tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh: do cấu tạo của chất đất xanh, nên gốm Hương Canh khi nung già gõ thường phát ra tiếng kêu lanh canh, giống như khi ta chạm vào kim loại.

Không lộng lẫy, cũng chẳng quá cầu kỳ với nhiều màu men khác lạ như những dòng gốm khác, gốm Hương Canh đẹp ở sự mộc mạc và giản dị. Toát lên ở mỗi sản phẩm là vẻ đẹp của hồn quê và tâm huyết người nghệ nhân.

Nhìn chung, các sản phẩm gốm Hương Canh thời xưa thường không sử dụng men tráng, không dùng chất tạo màu mà sản phẩm vẫn bắt mắt. Màu sắc chủ đạo của gốm Hương Canh vẫn là màu đỏ và nâu, còn sành thì có màu xanh đen. Dân gian vẫn truyền nhau câu nói: “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” để nói về nét độc đáo của các sản phẩm này

Theo thời gian, gốm Hương Canh không còn được ưa chuộng như xưa khi thị trường tiêu thụ thay đổi. Nhưng may mắn thay, đứng trước nguy cơ lửa lò dần nguội, vẫn còn những người nghệ nhân đã và đang nỗ lực tìm chỗ đứng mới cho gốm Hương Canh.

Tạm biệt những người nghệ nhân làng gốm Hương Canh, chúng tôi vẫn ấn tượng mãi với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị tất bật hoàn tất các lô hàng kịp phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Khung cảnh đó để lại cho chúng tôi một cảm giác thư thái, bình yên nơi mảnh đất Hương Canh yêu dấu …

 

Huyền Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved