Đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo tinh tế, hơn 500 năm qua, những nghệ nhân làng nghề chế tác vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), đã tạo nên những sản phẩm trang sức kim hoàn vô cùng tinh xảo, ấn tượng.
Châu Khê là một trong 3 làng nghề truyền thống chế tác vàng bạc ở miền Bắc, nổi danh khắp đất nước, đó là: Định Công (Hà Nội), Đồng Xâm (Thái Bình) và Chấu Khê (Hải Dương).
Theo sử sách ghi lại, nghề thủ công vàng bạc Châu Khê được xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới triều Lê Sơ, cách đây hơn 500 năm. Nếu như làng Định Công hay Đồng Xâm chế tác cả những đồ thủ công mỹ nghệ từ vàng bạc thì Châu Khê chỉ chuyên làm đồ trang sức.
Những người con làng Châu Khê từ khi sinh ra, lớn lên đã được “tắm mình” trong âm thanh đục đẽo, ánh lửa hàn xì vàng bạc rực rỡ… , vì vậy, họ vào nghề một cách hết sức tự nhiên, từ những buổi phụ việc cho cha mẹ, anh chị…. Cứ thế, tinh hoa nghề được gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác.
Xưa kia, thợ vàng bạc Châu Khê chế tác sản phẩm trang sức hoàn toàn thủ công nên cần cả quá trình rất kỳ công, mất nhiều thời gian. Hiện nay, nhờ sử dụng máy móc hiện đại, nhiều công đoạn được rút ngắn, năng suất lao động tăng, chất lượng đồng đều.
Tuy nhiên, để chinh phục thị trường, cạnh tranh với hàng nhập khẩu, sản phẩm kim hoàn Châu Khê phải luôn giữ được “chất” riêng độc đáo, đó là nét tinh xảo mà chỉ có thể chế tác thủ công từ những đôi bàn ta khéo léo, óc sáng tạo tuyệt vời của nghệ nhân. Do đó, những mẫu trang sức dây chuyền, lắc, nhẫn, vòng… Châu Khê được khách hàng rất ưa chuộng.
Nắm giữ những bí quyết chế tác kim hoàn của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn luôn trăn trở làm sao nghề quý của cha ông được phát triển ngày càng rực rỡ, thương hiệu kim hoàn Châu Khê được lan tỏa rộng rãi. Chính vì vậy, anh Tuấn đi khắp nơi, nỗ lực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, từ đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trên những tấm bạc mỏng dính, với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, tưởng tượng tuyệt vời, dần dần, tác phẩm nghệ thuật hiện ra với đường nét chạm khắc vô cùng tinh xảo mà không cần bản phác thảo trước.
Cũng như nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn, thế hệ trẻ làng nghề Châu Khê luôn tâm niệm phải tiếp nối nghề với sự trân trọng và sự cải tiến, sáng tạo không ngừng. Với tinh thần ấy, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cũng là lúc những nghệ nhân làng nghề Châu Khê có cơ hội đưa sản phẩm làng nghề truyền thống địa phương đi khắp cả nước, được thị trường đón nhận, ưa chuộng nhờ độ tinh xảo, hoàn mỹ.
Nghề kim hoàn thực sự đã làm cho cuộc sống của làng quê Châu Khê sung túc no đủ hơn. Nhiều hộ vươn lên làm giàu, gây dựng được cơ ngơi, những xưởng chế tác quy mô lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Sản phẩm trang sức Châu Khê giờ đây rất đa dạng mẫu mã, chất liệu: Vàng, bạc, vàng trắng, đá quý, kim cương…. Đây là sự rèn luyện, tích lũy, tiếp thu đức tính, phong cách “Trung thực, tinh tế, tài hoa, kiên trì, lịch thiệp…” từ tổ nghề.
Nghề làm vàng bạc Châu Khê giờ rất phát triển. Trong gần 600 thợ của làng có gần hai phần ba đạt tay nghề bậc 4, bậc 5/7, được cấp chứng chỉ của ngành kim hoàn Việt Nam. Con cháu làng nghề Châu Khê đã mở rộng hoạt động sản xuất khắp đất nước nhằm quảng bá thương hiệu nghề truyền thống của quê hương mình.
Thảo Nguyên