Chuyển tới nội dung

Làm việc từ xa thời COVID-19, họp hành lại nhiều hơn

Nghiên cứu này được tiến hành với 3,1 triệu người tại hơn 21.000 công ty trên khắp 16 thành phố (từ New York cho tới Tel Aviv) ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Một nghiên cứu với 3,1 triệu người tại 16 thành phố trên thế giới cho thấy số giờ làm việc giữa dịch COVID-19 dài hơn 48,5 phút so với bình thường, có nhiều cuộc họp hơn và phải gửi thêm nhiều email.

Hãng tin Bloomberg dẫn một nghiên cứu cho biết một ngày làm việc giữa đại dịch COVID-19 dài hơn 48,5 phút so với bình thường, số cuộc họp tăng khoảng 13% và số email (thư điện tử) trung bình mà người ta gửi cho đồng nghiệp mỗi ngày cũng nhiều hơn 1,4 lần.

Nghiên cứu này được Cục Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc gia (NBER), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Mỹ, xuất bản.

“Mọi người đã điều chỉnh kiểu làm việc của họ”, ông Jeff Polzer – giáo sư đến từ Trường Kinh doanh Harvard thuộc Đại học Harvard và là một trong 5 tác giả của nghiên cứu, chỉ ra.

Nghiên cứu này được tiến hành với 3,1 triệu người tại hơn 21.000 công ty trên khắp 16 thành phố (từ New York cho tới Tel Aviv) ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh hành vi của người lao động trong hai giai đoạn kéo dài 8 tuần trước và sau khi áp dụng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19.

Ở một vài thành phố như Los Angeles và Chicago (Mỹ), khoảng thời gian làm việc trung bình đã quay lại các mức trước đại dịch. Tuy nhiên, thời gian làm việc dài hơn vẫn còn được ghi nhận ở thành phố New York, San Jose và hầu hết các thành phố ở châu Âu.

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard và Đại học New York (Mỹ), trong suốt hai tháng trên, có một thứ đã cải thiện: Các cuộc họp tăng thêm diễn ra ngắn hơn.

Nhóm này cho biết nghiên cứu của họ đại diện cho một trong những nghiên cứu như vậy lớn nhất đến nay, lấy dữ liệu từ 16 thành phố trên thế giới.

Hiện nay có nhiều công ty đang nghiên cứu tác động của hình thức làm việc từ xa tới năng suất, tinh thần làm việc, văn hóa, chi phí cùng những yếu tố khác để xác định xem họ có thể thay đổi các hành vi trong tương lai ra sao.

Ông Polzer nói rằng cần có thêm nghiên cứu để biết liệu các thói quen của chúng ta thay đổi vĩnh viễn hay không. Tuy nhiên, ông cho rằng hành vi sẽ không thể sớm quay lại các mức trước đại dịch.

Theo Tuổi Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved