Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tận dụng cơ hội này để lựa chọn “quả ngon, vật lạ” xuất khẩu. Trong khi đó, cũng cùng một loại sản phẩm nông sản do chính người Việt Nam làm ra, xuất khẩu lại không được người tiêu dùng nội địa tin dùng. Thậm chí, các sản phẩm này có giá bán rất rẻ và không có chỗ đứng trên thị trường trong nước. Bởi tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt vẫn còn đeo bám đến tận bữa ăn, thức uống của mỗi gia đình.

Theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group – Mỹ tại 16 nước châu Á, hiện nay có đến 77% người Việt Nam thích “sính” các thương hiệu nước ngoài. Thói quen này cũng đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt từ thời bao cấp chứ không phải là bây giờ.

TS Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng, chúng ta chưa chú trọng tới thị trường tiêu dùng trong nước nên thậm chí có cả mặt hàng rau quả khi bán ra thị trường trong nước vẫn cố tình “gắn” mác nước ngoài để tiêu thụ nội địa. Chỉ tính riêng trong vài tháng qua, chúng ta phải bỏ ra 134 triệu USD để nhập khẩu các loại rau xanh từ nước ngoài về, trong khi loại mặt hàng này người nông dân Việt sản xuất được lại phải cả bán, cả cho.

Hay như một khay vải thiều (12 quả) do người Việt sản xuất được bán tại siêu thị ở Nhật có giá tới 430.000 đồng. Thực tế, vài thiểu là loại quả có giá rẻ ở Việt Nam, có năm được mùa, tại Bắc Giang, giá vải chỉ vài nghìn đồng/kg…

Nói như ông ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group – Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây Việt Nam ra thế giới thì ngay như ở Nhật, hoa quả Việt Nam được người dân bản địa dùng để chiêu đãi khách VIP. Trong khi, ở thị trường trong nước thì lại chưa chú trọng được giá trị loại nông sản này.

Qua thống kê cho thấy, hiện nay Việt Nam đã có 500 nhãn hiệu được công nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, khi có mặt tại thị trường các nước trên thế giới có giá bán gấp 10, thậm chí 20 lần so với trong nước. Vậy nhưng hàng triệu sản phẩm, nhãn hiệu này lại có mặt khá khiêm tốn trên thị trường nội địa.

hoa-qua

Chưa chú trọng tới thị trường tiêu dùng trong nước nên thậm chí có cả mặt hàng rau quả khi bán ra thị trường trong nước vẫn cố tình “gắn” mác nước ngoài để tiêu thụ nội địa

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam theo xu hướng thưởng thức về chất lượng, không đặt nặng về số lượng đang ngày càng thịnh hành, gia tăng.

Có nhiều rào cản khiến mặt hàng nông sản Việt Nam chưa thể chiếm lĩnh thị trường trong nước điển hình như khâu chế biến, quy trình lựa chọn chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước chưa được “cởi trói” về thuế, cơ chế, hạ tầng…trong quá trình thâm nhập thị trường bán lẻ trong nước.

Đây là nghịch lý và cũng là nút thắt lâu nay chưa được quan tâm, tháo gỡ kịp thời.

Đơn cử như mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang được áp thuế 0% nhưng khi muốn bán lẻ trong nước thì phải chịu mức thuế 5%. Thực trạng này đang trở thành rào cản khiến gạo ST 25 sản xuất tại Sóc Trăng cũng là mặt hàng được bình chọn là một trong loại gạo ngon nhất thế giới được công nhận vào năm 2019 tại Manila Philippines đã xuất khẩu ồ ạt nhưng hàng triệu người tiêu dùng trong nước lại chưa được sử dụng rộng rãi, thậm chí còn chưa biết mặt, biết tên.

120136834_2851676815063818_3400803434632513222_n

Mặt hàng gạo chất lượng cao của Việt Nam hiện nay đang được doanh nghiệp trong nước giới thiệu, xuất khẩu với số lượng lớn tới các nước trên thế giới

Trong khi đó, chính sách ưu đãi doanh nghiệp phát triển và xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các kênh phân phối gạo chất lượng cao cho thị trường nội địa và xem xét giảm thuế VAT xuống mức thấp nhất có thể cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo trên thị trường nội địa chưa có.

Cùng với đó, việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, gắn kết được từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo chất lượng mẫu mã để nâng cao giá trị nông sản Việt chưa được quan tâm vì nút thắt cơ chế.

Tháo gỡ được điểm “nghẽn” này, khắc phục các tồn tại nói trên thì vị thế và vai trò của sản phẩm nông sản Việt Nam sẽ nâng cao đối với thị trường tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh, đảm bảo cân đối cung cầu, có thể truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi.