Gia-vang-sjc

Giá vàng miếng SJC tiếp tục bỏ xa giá vàng quốc tế quy đổi.

Trong tuần này, giá vàng không có nhiều biến động lớn như các tuần trước đó, mà chỉ tăng từ mức 1.915USD/oz lên tới mức 1.948USD/oz và đóng cửa ở mức 1.946USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng ít biến động khi chỉ dao động trong biên độ từ 68,6 – 69,4 triệu đồng/lượng và tiếp tục bỏ xa giá vàng quốc tế quy đổi. Giao dịch vàng trên thị trường không có gì đột biến, mà vẫn khá trầm lắng.

Chiến sự Nga-Ukraine càng ngày càng diễn biến phức tạp, cộng thêm các đòn trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là các đón trừng phạt mới của G7… đã và đang khiến giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa trên thế giới tăng lên từng ngày. Điều này sẽ khiến lạm phát của nhiều quốc gia sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong tháng 3, lạm phát khu vực đồng tiền chung Châu Âu dự kiến tăng lên mức 7,5% từ mức 5,9% được ghi nhận trong tháng 2. Nếu đúng như dự báo, thì đây sẽ là mức cao kỷ lục trong lịch sử. Trong khi đó, lạm phát của Anh trong tháng 2 cũng đã tăng lên mức 6,2%- mức cao nhất trong 30 năm qua và dự kiến cũng tăng mạnh trong tháng 3 (hiện chưa công bố). Đặc biệt, lạm phát của Mỹ trong tháng 2 đã tăng lên mức 7,9%- mức cao nhất kể từ tháng 1/1982 và dự kiến sẽ tăng lên mức 8,4% trong tháng 3 (số liệu này sẽ được công bố vào ngày 12/4 tới). Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc cũng đã không ngừng gia tăng trong thời gian qua… Lạm phát tăng mạnh ở các quốc gia lớn này đã và đang kéo theo việc xuất khẩu lạm phát sang nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Với áp lực lạm phát tăng mạnh, nhiều quốc gia đã tăng lãi suất, trong đó FED đã tăng 25 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 vừa qua. Cơ quan này cũng đã dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tháng 5 tới. Ngoài ra, FED cũng dự kiến giảm bảng cân đối tài sản khoảng 95 tỷ USD mỗi tháng để đối phó với lạm phát. Việc FED đẩy mạnh siết chặt tiền tệ sẽ khiến dòng tiền giá rẻ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi, đẩy giá đồng nội tệ của các quốc gia này giảm mạnh, khiến áp lực lạm phát càng lớn hơn.

Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng áp lực lạm phát ngày càng lớn, thì sẽ càng làm cho vai trò trú ẩn của vàng được nâng cao hơn. Trong khi đó, lạm phát tăng mạnh sẽ khiến FED phải mạnh tay tăng lãi suất. Về lý thuyết, FED tăng lãi suất sẽ giúp USD mạnh hơn, gây áp lực cho giá vàng. Nhưng lạm phát đang tăng mạnh như hiện nay, dù FED tăng 6 lần lãi suất trong năm nay, thì vẫn còn thấp hơn nhiều so với lạm phát. Do đó, vàng vẫn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

Gia-vang-tuan-toi

Lạm phát tăng vọt, có thể đẩy giá vàng tuần tới tăng cao hơn.

Trong khi đó, chiến sự Nga-Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi Mỹ và phương Tây, đặc biệt là NATO, tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Các chuyên gia cho rằng điều này có nguy cơ dẫn tới việc đối đầu quân sự giữa Nga với Mỹ, phương Tây.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo, việc Mỹ và phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm cho chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang. “Đây là động thái cực kỳ nguy hiểm và khiêu khích vì nó nhằm vào Nga, đồng thời có thể khiến Mỹ và Nga phải đối đầu quân sự trực tiếp”, ông Anatoly Antonov nhấn mạnh.

Ông Colin cho rằng, chiến sự Nga-Ukraine ngày càng leo thang, không chỉ khiến các đòn trừng phạt gia tăng, đẩy lạm phát tăng cao, mà còn khiến tình hình địa chính trị ở Châu Âu ngày càng căng thẳng hơn. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư ngày càng tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang nằm trong kênh tăng giá ngắn, trung và dài hạn. Nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên 1.900USD/oz, thì có thể sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa và hướng tới phá vỡ 2.000USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ điều chỉnh xuống 1.824-1.855USD/oz.   

Ngọc Anh