Chuyển tới nội dung

Lạm phát hạ nhiệt: Tác động từ cú sốc cầu đang lấn át cú sốc cung

Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cả cú sốc cung và cú sốc cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ góc độ CPI hạ nhiệt thì có thể thấy, tác động từ cú sốc cầu đang có phần lấn át cú sốc cung…

Theo kết quả báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm gần 1,6% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân là giá xăng dầu giảm mạnh và nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm khác cũng giảm giá, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Sức mua giảm đã khiến CPI giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 4/2020, có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất là nhóm giao thông với 13,86%, do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/3 và 13/4/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48% (tác động làm CPI chung giảm 1,18%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,33%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,4%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%; nhóm bưu chính – viễn thông giảm 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác giảm 0,13%.

Ngoài các nhóm hàng giảm giá này, vẫn còn có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

CPI tháng 4/2020 giảm, tuy nhiên, nếu tính bình quân, thì CPI 4 tháng đầu năm nay lại tăng tới 4,9% mức bình quân của 4 tháng năm ngoái.

Đây là mức tăng cao nhất của bình quân 4 tháng trong giai đoạn 2016-2020. Đây là điều đáng chú ý, bởi đây chính là chỉ số tính lạm phát của Việt Nam.

Và như vậy, lạm phát cơ bản tháng 4/2020 giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kì năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,96% so với bình quân cùng kì năm 2019.

Về lý thuyết, dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cả cú sốc cung và cú sốc cầu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ góc độ CPI hạ nhiệt thì có thể thấy, tác động từ cú sốc cầu đang có phần lấn át cú sốc cung.

Theo nhóm phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), diễn biến bất ngờ từ dịch COVID-19 đang khiến giá nhiều mặt hàng hạ nhiệt nhanh chóng so với cuối năm 2019, đặc biệt là giá xăng dầu, thực phẩm, điện, văn hóa, du lịch và giải trí. Thậm chí, giá các nhóm hàng do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục nhiều khả năng cũng sẽ được hoãn lộ trình tăng giá trong năm nay.

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích cũng cho rằng nhiều khả năng dự báo lạm phát trung bình điều chỉnh cho cả năm 2020 sẽ ở mức 3-3,5% (thay cho mức 4% trong các dự báo trước đây). Trong khi đó, dự báo lạm phát YoY vào thời điểm cuối năm 2020 cũng được điều chỉnh về mức 2-2,5% (thay cho mức 3,2- 3,6% trước đây).

Đánh giá chung có thể thấy diễn biến lạm phát đang đi đúng hướng. Đây là yếu tố trọng yếu trong bối cảnh sự ổn định kinh tế vĩ mô chung đang gặp nhiều thách thức.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI, CPI quý I/2020 so với cuối năm 2019 tăng 0,34% – đây là quý I có chỉ số CPI thấp nhất 5 năm. Ngoài giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế. Thực phẩm và nhiên liệu là 2 nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI nên CPI năm 2020 chắc chắn sẽ tăng thấp.

“Lạm phát thấp là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng” – ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhấn mạnh.

Linh Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved