Về xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hỏi thì có rất nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Thoa – Chủ cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết. Đó là một người nông dân vượt khó đi lên, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực quyết chí làm giàu trên mảnh đất quê hương và hỗ trợ cho nhiều nông dân khác cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại có diện tích khoảng 7.000m2, chia làm khu 3 chuồng, trong đó 2 khu chuồng trại nuôi gà đẻ, còn 1 khu chuồng trại nuôi gà hậu bị, khu ấp nở con giống. Ông Thoa cho biết: “Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ vào sự quyết tâm, kiên trì, mình đã lựa chọn con đường này thì phải theo, phải yêu mến nó, dù có khó khăn đến mấy thì sóng gió rồi sẽ qua, thành công sẽ đến với mình. Bởi vì không có việc gì dễ dàng bằng phẳng cả, càng khó, càng phải quyết tâm làm”.
Kể về quá trình làm kinh tế của mình, ông Thoa cho rằng, phải bước đi từng bước một và dí dỏm: “Tôi làm kinh tế, bước đường làm ăn ban đầu giống như đứa trẻ đi học, cũng bắt đầu từ những chữ cái a, o… Hay như đứa trẻ đi học mà gặp bài toán khó không làm được, thì có thể nhờ thầy, bạn hoặc ai đó giúp, như đối với mình làm kinh tế, gặp khó mà không chịu học hỏi, nghiên cứu để làm thì khó mà có thể thành công”.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Thoa chia sẻ: Bố là liệt sĩ, khi học xong cấp 3 được chính quyền địa phương ưu tiên gọi nhập học tại Học viện An ninh. Đi được 3 tháng thì mẹ ốm nặng, anh trai vào bộ đội, nên anh buộc phải thôi học để về nhà chăm sóc và chữa bệnh cho mẹ. Được chính quyền tạo điều kiện làm việc ở xã nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc đó quá khó khăn, buộc ông phải thôi việc và đi làm ngoài. Mẹ ốm đau, con nhỏ, vất vả, ông tìm đủ mọi cách kiếm tiền nuôi gia đình. Năm 2000, ông làm nhân viên tiếp thị cho một số công ty gà giống ở Hải Phòng. Trong quá trình làm ông đã học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quy trình ấp nở con giống, thị trường tiêu thụ…
Năm 2007, sau 7 năm bươn chải, có một số vốn nhất định, ông bắt đầu thành lập trang trại. Về tài chính, lúc đầu làm ai cũng khó khăn, nhưng ông không đi vay vốn mà xác định có ít vốn thì làm quy mô nhỏ. Chính vì vậy: “Tôi gặp rất nhiều khó khăn như trục trặc về máy ấp nở, con giống, chăm sóc thú y, chưa có thương hiệu. Khó khăn nhất vẫn là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường và lai tạo nguồn giống riêng cho mình, nếu mình không cẩn thận thì xôi hỏng bỏng không” – ông Thoa bộc bạch.
Chia sẻ những kinh nghiệm về chăn nuôi và sản xuất con giống ở cơ sở của mình, ông Nguyễn Văn Thoa cho biết: Nghề này cần có bí quyết riêng, cũng phải đi học hỏi rất nhiều. Ông cứ tự tìm hiểu trên đài, báo, bạn hàng và tìm đến những mô hình, cơ sở sản xuất gà giống ở Hà Nội, Bắc Ninh để học cách làm, tự đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình. Vừa làm, vừa học hỏi thêm, muốn tạo thương hiệu cho cơ sở sản xuất của mình, ông đã nhập giống gà ri của Ấn Độ và gà phượng của Trung Quốc để tạo ra giống gà ri1, ri 2, ri3 (hay còn gọi là ri lai), đến năm 2010 thì đã nhân bản thành công giống gà.
Hệ thống chuồng trại nuôi gà giống và gà hậu bị cũng được ông Thoa đầu tư rất bài bản, hiện đại. Chuồng trại nuôi phải có không gian thông thoáng, ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè. Hệ thống ánh sáng, gió tự động và nhiệt độ có hệ thống điều khiển tự động, đảm bảo chuồng lúc nào cũng thoáng mát, khi hệ thống có vấn đề sẽ có còi báo động để kịp thời xử lý. Hệ thống nước uống cung cấp cho gà cũng được trang bị tự động đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh.
Chuồng nuôi còn sử dụng đệm lót sinh học và mỗi năm thay 1 lần để đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, không còn mùi hôi gây ô nhiễm môi trường đối với khu dân cư. Số phân gà được đóng bao, cung cấp cho bà con trong xã, ngoài làng để bón vườn, ruộng.
Khu ấp nở con giống cũng được quy hoạch riêng rẽ, tiện lợi. Theo ông Thoa thì trong quy trình ấp nở gia cầm cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và cần nắm rõ nguồn gốc, chất lượng quả trứng khi nhập về phải sát trùng rồi mới cho vào ấp. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng con giống khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Liên kết, hợp tác để làm giàu
Từ bàn tay trắng, dựa vào sức mình là chính, bằng sự quyết tâm, chịu thương, chịu khó để gây dựng trang trại thành công vào năm 2013. Hiện trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thoa đã nuôi gà giống và gà hậu bị, có 27 máy ấp trứng. Mỗi năm cơ sở xuất bán được gần 3 triệu con gà giống ra thị trường, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung. Mỗi năm, trang trại của ông Thoa thu lãi gần 1 tỷ đồng. Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm của gia đình ông Thoa còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 9 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Để cung cấp nhiều con giống có chất lượng tốt ra thị trường, ông Nguyễn Văn Thoa còn thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi gồm 16 thành viên. Vào tổ hợp tác, các thành viên được ông cung cấp giống, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, chuyển giao kỹ thuật để các hộ chăm sóc, sau đó ông thu mua lại toàn bộ số trứng về ấp và cung cấp giống ra thị trường.
“Mỗi hội viên nuôi gà ri lai đẻ quy mô từ vài nghìn con đến hàng vạn con, sản phẩm của họ là trứng giống được tôi trực tiếp thu mua với giá thỏa thuận, ổn định. Dù có thời điểm thị trường khó khăn nhưng vẫn đảm bảo bao tiêu trứng cho các thành viên; đồng thời các hộ tham gia chuỗi sẽ thực hiện một quy trình chăn nuôi chung, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật. Bước đầu đã giúp các thành viên chăn nuôi có lãi, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, cao hơn so với chăn nuôi truyền thống” – ông Nguyễn Văn Thoa chia sẻ thêm.
Mô hình của gia đình ông được tỉnh Thái Bình khuyến khích xây dựng các mô hình chuỗi giá trị khép kín theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt, gọi tắt là VietGAHP. Sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu không chỉ để cung cấp trong tỉnh mà hướng đến cung ứng ra ngoài tỉnh và xa hơn là xuất khẩu. Năm 2018, ông Thoa cùng các thành viên trong tổ hợp tác đã xây dựng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn dịch bệnh với một số bệnh quan trọng, đầu tư máy tiêm vắc-xin tự động cho gia cầm. Gia đình ông đã đầu tư gần 4 tỷ đồng cho trang trại quy mô 1 vạn gia cầm, khép kín và được chứng nhận đạt thực hành chăn nuôi tốt theo quy trình VietGAHP trong năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Thoa, việc thực hiện quy trình đã cho những kết quả nhất định như chi phí cho các khâu trung gian về thức ăn, thuốc, văcxin giảm đi 15% so với trước đây; tỷ lệ gà chết do dịch bệnh và chăm sóc kém thấp, không đáng kể; chất lượng quả trứng và con giống ấp nở ra được thị trường đánh giá tốt; các thành viên chấp hành các cam kết được cải thiện hơn, đặc biệt nhận thức, thói quen chăn nuôi tự do, cá thể được dần chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát, ứng dụng kỹ thuật khoa học…
Nói về những dự định tiếp theo, ông Thoa cho biết, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích chuồng trại thêm 3ha, mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện để cơ sở sản xuất của gia đình ông có thể tạo ra nhiều sản phẩm giống gia cầm tốt hơn, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài tỉnh, xa hơn là xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thoa không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tham gia rất nhiệt tình các phong trào của địa phương như đóng góp cho quỹ khuyến học, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt cùng chính quyền quan tâm đến những người cao tuổi ở địa phương vào những dịp lễ, Tết… Ông Phạm Trọng Quán – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Việt |
Quang Tú