Bạn sẽ làm gì khi đối thủ cạnh tranh thay đổi giá bán những mặt hàng mà bạn cũng đang kinh doanh?
Bạn sẽ tăng giá hoặc giảm giá như họ hay vẫn kiên trì giữ giá? Trước khi ra quyết định, bạn nên tham khảo ba yếu tố sau.
Có cần phân khúc lại nhóm khách hàng?
Phân khúc giá cả đơn giản chỉ là việc đưa ra những mức giá bán khác nhau cho những nhóm khách hàng khác nhau, chẳng hạn giá bán có chiết khấu dành cho sinh viên hoặc người cao tuổi hay gói phục vụ khách hàng VIP.
Nên xem lại chính sách phân khúc khách hàng của bạn. Nếu các đối thủ cạnh tranh cũng nhắm đến một nhóm khách hàng giống bạn thì hãy phân khúc lại thị trường theo cách chỉ giảm giá bán cho những khách hàng nào cùng nằm trong nhóm đối tượng phục vụ của đối thủ.
Ví dụ, khi hãng hàng không giá rẻ thâm nhập thị trường bằng một chương trình khuyến mãi với giá thấp hơn, hầu hết những hãng hàng không khác sẽ phản ứng bằng cách đưa ra giá vé thấp chỉ cho hạng phổ thông với chính sách mua vé khắt khe, chứ không giảm giá trên toàn bộ các hạng bay khác, bao gồm cả hạng thương gia và khách hàng trung thành.
Ngoài ra, nếu không thể áp dụng những chính sách chiết khấu như một giải pháp thoát khỏi áp lực giá cả cạnh tranh của đối thủ, hãy tập trung vào việc tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm bằng cách bổ sung giá trị cho sản phẩm hoặc hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu với gói sản phẩm đặc biệt dành riêng cho họ.
Có nên khảo sát thái độ của khách hàng?
Thông thường, không phải tất cả khách hàng đều biết về sự thay đổi giá cả trên thị trường. Do đó, bạn chỉ cần phản ứng một cách tinh tế và riêng lẻ với từng nhóm khách hàng nào nhận biết về thực tế ấy. Sự khéo léo trong cung cách phục vụ từng đối tượng khách hàng sẽ tạo cảm giác “được đặc cách” cho người nhận.
Có cần phân tích nguyên nhân vì sao đối thủ thay đổi giá bán?
Đọc những tin tức chuyên ngành hoặc thông cáo báo chí của đối thủ để tìm hiểu vì sao họ quyết định thay đổi giá bán. Lý do giảm giá có thể là muốn thanh lý những mặt hàng cũ hoặc giá thành sản xuất hay khoản chi phí nào đó được cắt giảm. Nếu việc thay đổi giá cả chỉ mang tính tạm thời thì… cứ bất động và xem họ làm!
Một trong những lý do phổ biến nhất để một doanh nghiệp quyết định phát động cuộc chiến giá cả là họ muốn gia tăng thị phần, thâu tóm khách hàng từ các đối thủ cạnh tranh. Khi đó, bạn cần phải nhận biết rõ những điều kiện khiến đối thủ chọn lựa bước đi ấy và khả năng thắng lợi của họ ra sao.
Từ những phân tích kỹ càng, bạn sẽ nhận biết được khi nào mình phải phản ứng để không phải tụt hậu trên thị trường.
Hẳn nhiên, bạn không nhất thiết cứ phải giành phần thắng trong một cuộc chiến giá cả, nhưng bạn phải tồn tại được sau những thử thách của cuộc chiến. Tốt nhất là tìm cách thoát khỏi cuộc chiến ấy.
Điều đó không có nghĩa rằng bạn phải rời bỏ thị trường hay ngừng việc kinh doanh, mà tập trung mọi nguồn lực để tạo nên sự khác biệt trong sản phẩm hoặc dịch vụ. Sau đó, hãy chủ động định giá lại sản phẩm và phân khúc lại nhóm khách hàng.
Theo DoanhnhanPlus