giao-thuong-viet-my

Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đặt nền móng cho quan hệ Việt – Mỹ thời hậu chiến

Mùa hè năm 2016, John Kerry đến thăm Việt Nam, cùng với lãnh đạo TPHCM chứng kiến lễ thành lập Đại học Fulbright Việt Nam – một biểu tượng mới của quan hệ Việt – Mỹ.

Ít ai biết rằng, để có thành quả này, các nhà ngoại giao Việt Nam như ông Nguyễn Cơ Thạch, Đại sứ Lê Văn Bàng đã tích cực vận động hành lang từ những năm 80 thế kỷ trước để ra đời Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright – hạt nhân của Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông Thạch cũng là người dịch cuốn “Kinh tế học” của nhà kinh tế Mỹ, Paul Samuelson ra tiếng Việt, cuốn sách cung cấp kiến thức cơ bản về Kinh tế học vi mô: cung, cầu và thị trường sản phẩm. Thị trường yếu tố và phân phối thu nhập. Hiệu quả, công bằng, môi trường và chính phủ. Tổng cung, tăng trưởng kinh tế và các chính sách vĩ mô. Thương mại quốc tế và nền kinh tế thế giới.

Công trình của nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Cơ Thạch đã cung cấp những gì gọi là lý luận kinh tế, mở cửa, hội nhập, làm quen với cơ chế hoàn toàn đối ngịch với kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp.

Để có những thông số quan hệ ngoại giao đồ sộ như ngày nay, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua chặng đường hơn 25 năm đầy chông gai, đối mặt với nhiều áp lực từ trong nước, ngoài nước, vượt qua các định kiến về chính trị, văn hóa, lịch sử.

Có thể nói, bình thường hóa quan hệ với Mỹ là một trong những thành tựu ngoại giao điển hình nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Bối cảnh Liên Xô và Đông Âu mới tan rã chưa lâu. Trung Quốc lúc ấy đóng vai trò anh cả trong khối các nước XHCN còn lại – nhưng không thật sự mặn nồng với chính quyền Bill Clinton.

17h ngày ngày 11/7/1995 (theo giờ Mỹ) Tổng thống Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ cấm vận với Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên bình thường hóa quan hệ – sự kiện này được xem như “đường cao tốc” nối Việt Nam ra thế giới.

Việc thu xếp ổn thỏa các vấn đề lịch sử, chính trị giúp hai nước Việt – Mỹ tiến nhanh trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại. Từ con số 0 đến năm 2020 tổng kim ngạch buôn bán trên 90 tỷ USD, hướng tới mốc 100 tỷ USD trong năm nay.

anh-1-1608210625583403423763-crop-1608210638045730053770

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng kỷ lục

Xét chiến lược mới của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và vai trò của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, bang giao kinh tế Việt – Mỹ sẽ còn tiền xa hơn.

Một là, nền kinh tế sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là mảnh ghép giúp bổ sung khoảng trống cho xã hội tiêu dùng, dịch vụ tại Mỹ, trong tình thế quan hệ Mỹ – Trung xuống dốc, tăng nhập khẩu từ Việt Nam là biện pháp thay thế hữu hiệu.

Hai là, hơn 1/4 thế kỷ qua, Việt Nam rất biết cách tự nâng cao giá trị chiến lược, một điển hình ở ASEAN, một mô hình phát triển hài hòa để phương Tây không nhìn với lăng kính như với Triều Tiên, Venezuela hay các chế độ “dị biệt” ở Trung Đông.

Ba là, Hà Nội ngày càng cho thấy – họ đủ khả năng để hợp tác cùng có lợi với các cường quốc, từ thái độ, tư duy đến kinh nghiệm thực tiễn; đủ sức tham gia và có tiếng nói nhất định, tích cực trong các vấn đề toàn cầu.

Bốn là, người Mỹ ý định xây lại chuỗi cung ứng “không Trung Quốc”, đầu mối đặt tại châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam với đặc điểm dân số, lao động, chính sách hiện có sẽ là đối tác không thể bỏ qua với Mỹ.

tongthong1_fpik

Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam

Dĩ nhiên, quan hệ song phương Việt – Mỹ không phải toàn “màu hồng”, các nhóm “chính trị diều hâu” tại Mỹ vẫn không quên đặt ra những vấn đề bên lề như nhân quyền, chính trị, tôn giáo.

Song trùng với Mỹ, người Trung Quốc đang tích cực thâu tóm địa bàn, gây ảnh hưởng, tranh giành lợi thế địa chính trị. Chúng ta như đi giữa hai làn đạn, nên cần nhạy bén hết sức để tránh thiệt hại.

Trương Khắc Trà