Mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD là khả thi với ngành nông nghiệp với nhiều điểm sáng như xuất khẩu gỗ, gạo, thuỷ sản và mặt hàng rau quả.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, để tiếp tục thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt từ 2 – 3%, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo khai thác tốt nhất các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu nông sản cả năm đạt 41 tỷ USD.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là sản xuất lúa, tái đàn lợn, khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ; tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, trong đó có việc tập trung tháo gỡ khó khăn đối với nuôi cá tra.
Trên thực tế, số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, tính chung 9 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp ước đạt 30,05 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 13,6 tỉ USD; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD; thủy sản ước đạt trên 6,0 tỉ USD; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỉ USD, tăng 13,4%…
Đáng nói hơn, hiện đã có 7 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 5 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ: 8,5 tỉ USD; tôm: 2,75 tỉ USD; gạo: 2,5 tỉ USD; hạt điều: 2,3 tỉ USD; càphê: 2,2 tỉ USD
Trong đó, gỗ và lâm sản được lãnh đạo ngành nông nghiệp nhận định đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông nghiệp.
Cụ thể, trong 9 tháng khủng hoảng vì dịch COVID-19, ngành gỗ vẫn liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng tại nhiều thị trường như: Hoa Kỳ tăng hơn 835 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương tăng 26,1%; Trung Quốc: Tăng hơn 79 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương tăng 10,6%); Canada: Tăng gần 12 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 10,3%; Thái Lan: Tăng hơn 5 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 20,6%.
“Các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến kim ngạch cả năm 2020 đạt trên 12 tỉ USD bởi vào mùa Noel của các nước tăng mức chi tiêu, mua sắm/ Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất trong nước dần trở lại bình thường, Chính phủ Việt Nam dần khôi phục lại các đường bay quốc tế”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.
Không chỉ với gỗ, các mặt hàng thuỷ sản, gạo, rau quả cũng được đánh giá là có thị trường rộng mở. “Với 80.000 tấn gạo trong đó có 30.000 tấn gạo thơm được cấp hạn ngạch ưu đãi thuế sang EU, dư địa cho xuất khẩu gạo sang EU đang rất lớn”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh còn cho biết thêm, thống kê sơ bộ sau hơn 2 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong đó, vừa qua chúng ta chứng kiến các lễ xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA như các lô hàng: 30 tấn sản phẩm tôm đông lạnh ngày 11.9; 100 tấn chanh leo XK sang Đức ngày 16/9; trái cây (gồm 2.200 thùng, và 15 tấn bưởi, thanh long) XK đi Anh, Đức, Hà Lan; 126 tấn gạo thơm xuất khẩu sang Séc ngày 22/9.
Như vậy, những tín hiệu lạc quan nói trên có thể cho ta thấy, mức xuất khẩu 41 tỷ USD là khả thi với ngành nông nghiệp. Nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh sụt giảm nghiêm trọng của nhiều ngành kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Thy Hằng