Giá thịt lợn tăng cao, giá xăng, dầu bắt đầu tăng trở lại, sau 8 kỳ giảm liên tiếp từ đầu năm đã gây thêm áp lực lên lạm phát…
Hiện giá thịt lợn hơi đang dao động quanh mức 75.000 – 95.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường cũng từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Nếu giá thịt lợn tiếp tục đứng ở mức cao, sẽ là một áp lực lớn đối với lạm phát của năm 2020. Chỉ riêng thịt lợn đã chiếm 4,2% trong “rổ” tính toán CPI hàng tháng.
Như vậy, việc ổn định CPI đang dồn “gánh nặng” vào việc đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000 – 65.000 đồng/kg và là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tăng cường tái đàn, cân đối cung cầu để điều hành giá thịt lợn năm 2020 về mức từ 60.000 – 65.000 đồng/kg vừa đảm bảo lợi ích tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp vừa ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, liên tiếp những ngày qua, giá thịt lợn không những không có dấu hiệu giảm, mà mặt hàng này vẫn tiếp đà tăng phi mã và lập kỷ lục mới về giá khi cán mốc 96.000 – 97.000 đồng/kg.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu tháng 5, giá thịt hơi ổn định ở mức 93.000 – 94.000đ/kg hơi. Tuy nhiên trong vài ngày qua, giá lợn hơi ở các trang trai phía Bắc xuất bán với giá cao kỷ lục, đạt 96.000 – 97.000đ/kg.
Tương tự, giá lợn hơi tại các tỉnh thành phía Nam cũng tiếp đà tăng mạnh. Cụ thể, tại Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tăng lên 92.000 – 93.000 đồng/kg. Còn tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của khu vực phía Nam, lợn hơi xuất chuồng giá cũng lên đến 95.000 – 96.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, sở dĩ giá thịt lợn hơi trong thời gian qua cao là do thiếu hụt nguồn cung. Trong khi việc tái đàn, tăng đàn gặp khó vì thiếu lợn giống. Giá lợn giống hiện đã tăng lên 2,8 – 3 triệu đồng/con nhưng người dân vẫn không thể mua được dù đã đặt trước cả tháng. Các doanh nghiệp đang xin nhập khẩu 110.000 con lợn giống, lợn bố mẹ về nhân giống phục vụ nhu cầu tái đàn, tăng đàn trong thời gian tới.
Bên cạnh giá thịt lợn tăng cao, giá xăng, dầu bắt đầu tăng trở lại, sau 8 kỳ giảm liên tiếp từ đầu năm, đã gây thêm áp lực lên lạm phát. Trong ngày 13/5, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đối với xăng E5 RON 92 là 11.520 đồng/lít, tăng 578 đồng/ lít; đối với xăng E5 RON 92 là 12.235 đồng/lít, tăng 604 đồng/ lít và dầu diesel 9.850 đồng/lít. Giá xăng, dầu trong nước có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi giá xăng, dầu thế giới vẫn đang tiếp tục hồi phục.
Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 đầu ngày 16/5 (theo giờ Việt Nam) tăng 2,15 USD, tương ứng 7,8% lên 29,71 USD/thùng; Giao tháng 7 cũng tăng mạnh 1,9 USD, tương đương 6,81% lên 29,78 USD/thùng; Giao tháng 8 thêm 1,68 USD, lên 30,34 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 7 cũng tăng thêm 0,24 USD, tương đương tăng 0,74%, lên 32,74 USD/thùng; Giao tháng 7 lên 33,04 USD/thùng.
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi các nước bắt đầu có kế hoạch dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Kiềm chế lạm phát trong mức mục tiêu 4% sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2020. Nếu có thể kiểm soát tốt lạm phát, NHNN hoàn toàn có thể có thêm dư địa để tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, điểm cần quan tâm là lạm phát cơ bản tháng 3/2020 đang ở mức 3,05%, cách khá xa so với mức điều hành thông thường là khoảng 2 – 2,5%.
“Chính phủ nên dựa vào lạm phát cơ bản để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Khi hết dịch, kinh tế phục hồi giá xăng dầu sẽ tăng trở lại, hiệu ứng té nước theo mưa sẽ làm giá cả tăng nhanh, cộng với giá lương thực có thể tang. Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ, lãi suất để nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng, sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô của nền kinh tế” – ông Ngân khuyến nghị.