Năm 2024, theo kịch bản cơ sở, dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.414 điểm, tuy nhiên, cơ hội và thách thức vẫn đan xen trên thị trường mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn ảm đạm, môi trường lãi suất, lạm phát cao, cầu tiêu dùng thấp đã ảnh hưởng không ít tới hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp trong nước, đây là hai lĩnh vực đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế những năm trước dịch.
Tuy nhiên, với những chính sách và động lực phát triển kinh tế từ bên trong, kinh tế Việt Nam cũng đã ghi nhận được mức tăng trưởng đáng kể 5,05% trong năm 2023. Các yếu tố vĩ mô nhìn chung ổn định, lạm phát trong mức mục tiêu, môi trường lãi suất thấp, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế được thúc đẩy dù vẫn gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung nền kinh tế toàn cầu.
Với đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm 2023, kỳ vọng năm 2024 Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dù tốc độ có thể không nhanh, do độ mở nền kinh tế của chúng ta còn phụ thuộc các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.
Theo nhận định của chúng tôi, động lực tăng trưởng trong năm 2024 kỳ vọng tới từ các yếu tố như: Thứ nhất, giải ngân đầu tư công kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng so với năm 2023 khi nhiều dự án đã đi vào xây dựng, nhiều nút thắt đã được tháo gỡ so với những năm trước như việc chỉ định thầu, nhiều mỏ đá mới được cấp phép, giá nguyên vật liệu hạ nhiệt so với những năm trước.
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng mạnh mẽ trong 2024 sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, cùng với các chính sách hỗ trợ khai thông thị trường bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, nguồn vốn FDI kỳ vọng duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh như năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu trong trung và dài hạn. Việt Nam ký kết đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Mỹ gần đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn FDI sắp tới.
Thứ tư, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu đều có sự hồi phục trở lại trong những tháng gần đây, tuy nhiên tốc độ còn chậm, kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu hồi phục trở lại tại các nền kinh tế lớn.
Với những động lực trên, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,8%. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những rủi ro có thể khiến tăng trưởng thấp hơn dự kiến như vấn đề địa chính trị; kinh tế Mỹ, Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự báo; thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm và thấp hơn dự kiến.
Kỳ vọng VN-Index đạt 1.414 điểm
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cơ hội và thách thức trong năm 2024 vẫn đan xen, trong đó, cơ hội sẽ đến từ việc Fed có thể sẽ sớm nới lỏng trong năm 2024 với kỳ vọng 3 lần giảm lãi suất. Mức lãi suất cơ bản của Fed được dự báo sẽ ở mức 4,59%, giảm 0,74 điểm cơ bản so với mức 2023.
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi ngang so với năm trước và khả năng suy thoái được đánh giá thấp. Riêng khu vực châu Âu và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng cao ở năm 2024 và được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á.
Đáng chú ý, việc lạm phát hạ nhiệt càng thúc đẩy các ngân hàng trung ương sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024. Dự báo lạm phát toàn cầu có thể đạt mức 5,8-5,9% và Việt Nam ở mức dưới 4%. Nhờ đó, lãi suất được duy trì ở mức thấp, với lãi suất huy động dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa đầu năm 2024 và tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm nay. Dự báo tăng trưởng EPS 2024 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX ước đạt 28% so với năm 2023.
Năm 2024, thị trường cũng sẽ chứng kiến hai yếu tố mang tính hỗ trợ, đầu tiên là việc triển khai hệ thống KRX, hứa hẹn mang đến những sản phẩm tài chính mới mẻ. Ngoài ra, sự ra mắt của sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số VN100 được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Điểm thứ hai là việc nâng hạng thị trường, với kỳ vọng vào quyết định của FTSE trong tháng 9/2024, sau khi giải quyết vấn đề tỉ lệ ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về thách thức, suy thoái vẫn có khả năng xảy ra khi mức độ hồi phục còn yếu. Căng thẳng địa chính trí là yếu tố khó dự đoán và sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong năm 2024. Chính sách tiền tệ chưa hoàn toàn đồng thuận trong năm nay có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 còn lớn.
Chúng tôi cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo đối với chỉ số VN-Index trong năm 2024, theo đó, kỳ vọng nhất là ở kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt mức 1.414 điểm; ở kịch bản lạc quan là 1.583 điểm và kịch bản bi quan là 1.183 điểm.
Nguyễn Thế Minh – GĐ Nghiên cứu, phân tích CTCK Yuanta Việt Nam