Năm 2023 được doanh nghiệp nhận định còn khó khăn hơn thời điểm dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhưng tại thị trường Anh vẫn duy trì tăng trưởng hơn 1,9%.
Trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn sụt giảm thì diễn biến này hơi lệch pha tại thị trường Anh khi con số xuất khẩu tăng khoảng 1.9% trong năm 2023. Điều nay cho thấy thị trường Anh là điểm sáng trong bức tranh chung.
Là mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Anh tăng 11%, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết: con số tăng trưởng này giúp ngành không sụt giảm quá sâu trong một năm nhiều khó khăn. Đặc biệt, ngành da giày đã hợp tác với tổ chức đánh giá tiêu chuẩn hàng đầu của Anh trong việc phát triển thiết bị thử nghiệm chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp SME nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm như giày an toàn sang thị trường Anh và các thị trường lớn khác.
Sau quá trình hoàn tất thủ tục, các chuyên gia kỳ vọng năm 2024 Anh sẽ trở thành thành viên của CPTPP. Như vậy, Việt Nam và Vương quốc Anh áp dụng song song cùng lúc 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong đó, đáng chú ý, Vương quốc Anh có những cam kết mới tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh ở một số lĩnh vực như thuỷ sản.
Cơ hội mở rộng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Anh trong năm 2024 rất lớn. Tuy nhiên, lưu ý với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết: Anh đang áp dụng một số quy định mới cho các sản phẩm xuất khẩu. Có quy định thay đổi về tên gọi, còn về mặt kỹ thuật không có nhiều khác biệt, không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như yêu cầu về nhãn mác đối với sự an toàn của sản phẩm, các nước thành viên EU áp dụng nhãn mác CE thì nước Anh áp dụng nhãn mác UKCA nhưng về mặt kỹ thuật không có gì khác nhau. Trong giai đoạn chuyển đổi, các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng và hải quan Anh vẫn đồng thời chấp nhận cả nhãn mác CE và UKCA để không tạo thêm khó khăn về giấy tờ và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nên khẩn trương sử dụng nhãn mác mới UKCA khi xuất khẩu vì đó là yêu cầu luật định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cảnh Cường cũng nhấn mạnh đến việc thực thi cơ chế CBAM. Đây vừa là cơ chế của EU vừa là của Anh. Trong tương lai không xa, CBAM trở thành yêu cầu luật định và kỹ thuật, nếu các ngành công nghiệp, sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu không kịp thời chuyển đổi, đáp ứng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và sản phẩm mất khả năng cạnh tranh.
Về xu hướng tiêu dùng, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, người tiêu dùng ở Anh tiên phong sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, từ đó sẽ tác động đến việc thay đổi quy trình sản xuất và phân phối. Ngoài ra, người tiêu dùng ở Anh có xu hướng giảm ăn thịt tăng ăn chay, sử dụng sản phẩm áp dụng kinh tế tuần hoàn, không sử dụng túi ni lông… Sản phẩm của Việt Nam đi theo xu hướng được người tiêu dùng và hệ thống phân phối đón nhận, hoan nghênh.
Trước sự thay đổi trên, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, là thị trường truyền thống, khách hàng quen thuộc với sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam. Điều này vừa là thuận lợi vừa là khó khăn vì tăng trưởng hiện nay ở mức ổn định, muốn bứt phá ngoài tận dụng lợi thế từ các FTA, doanh nghiệp cần đầu tư tăng cường năng lực nội tại, chuyển đổi sản xuất xanh, nhất là doanh nghiệp SME.
Các doanh nghiệp SME cần có những bước đi tốt hơn để khai thác tiềm năng lớn từ thị trường này như tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Anh vốn có thế mạnh trong đào tạo ngành da giày để tiếp cận công nghệ mới, thiết kế mẫu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được các bộ, ngành hỗ trợ trong việc phổ biến thông tin rộng rãi về các quy định mới; xây dựng vùng sản xuất nguyên phụ liệu bền vững, ổn định đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nguyên vật liệu trong chuỗi cung ứng đặt ra ngày càng gay gắt khi sản xuất xanh.
Hạnh Lê