Chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang được kỳ vọng sẽ là sự khởi đầu cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến thăm Washington trong tuần này. Chuyến đi này có khả năng nhằm củng cố một số thông tin chi tiết về cuộc gặp dự kiến giữa 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco.

Ông Vương Nghị dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning Ba cho biết ông Vương Nghị sẽ có những trao đổi sâu sắc về các lĩnh vực bao gồm quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Trong khi đó, Nhóm công tác kinh tế Trung-Mỹ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên dưới hình thức trực tuyến vào thứ Ba tuần này. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết hai bên đã có những trao đổi “sâu sắc, thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Về phần mình, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết một cuộc họp của Nhóm công tác tài chính cũng sẽ được tổ chức vào tuần tới.

Hai nhóm công tác đã được thành lập vào tháng 9 vừa qua để khôi phục việc liên lạc trong các vấn đề kinh tế và tài chính giữa hai quốc gia sau cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Bắc Kinh vào tháng 7.

Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng trao đổi chính thức giữa hai cường quốc – từ các cuộc gặp của các quan chức cấp cao hai nước đến việc duy trì đối thoại giữa các nhóm công tác kinh tế và tài chính, và mới đây là chuyến đi tới Mỹ của ông Vương Nghị cho thấy hai bên có thể đang tiến hành chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, cuộc liên lạc gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy ông Tập có khả năng sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh APEC.

Ông chỉ ra rằng, chuyến đi trong tuần này của Ngoại trưởng Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, và việc truyền thông đưa tin rằng có khả năng Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ đến thăm Mỹ cho thấy phía Trung Quốc đang cố gắng thảo luận với những người đồng cấp Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp tiềm năng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013.

Chuyên gia này cũng kỳ vọng, việc sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Trung Quốc khi ông gặp ông Blinken và ông Sullivan, bao gồm trao đổi về các thông tin như cách các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau và thông điệp mà họ dự định sẽ truyền tải.

Trao đổi với SCMP, ông Chong Ja Ian, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore nói: “Quan hệ Trung-Mỹ đã ổn định phần nào, nhưng liệu điều đó có dẫn đến sự tan băng trong quan hệ song phương hay không thì vẫn còn phải xem xét”.

Đầu tháng này, ông Tập đã gặp một phái đoàn Mỹ do Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer dẫn đầu tại Bắc Kinh. Đây là nhóm Quốc hội Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc trong vòng 4 năm trở lại đây và nhiều nhà quan sát coi cuộc gặp giữa ông Schumer với ông Tập là dấu hiệu cho thấy ông có thể tới San Francisco tham dự diễn đàn APEC vào tháng tới.

Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận liệu ông Tập có tham dự diễn đàn APEC hay không mà chỉ nói rằng họ sẽ công bố thông tin “chính thức vào thời điểm thích hợp”. Theo các nhà phân tích, cách tiếp cận không cam kết giúp Bắc Kinh linh hoạt hơn trong việc rút lui nếu cần. Một chuyên gia Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Trung giấu tên nhận định, động thái của Trung Quốc cũng có thể là một cách để giảm bớt kỳ vọng của công chúng và giảm rủi ro.

Dù các nhà phân tích coi hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung là một cách giúp ổn định mối quan hệ giữa 2 nước, nhưng cuộc gặp lần này khó có thể mang lại bước đột phá.

Ông Josef Mahoney, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải đánh giá, trong khi những cuộc gặp mới này và những cuộc gặp khác trong tương lai báo hiệu có thể mang đến một số hợp tác trong các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm, thì rất khó để cải thiện mối quan hệ theo hướng giảm thiểu căng thẳng và cạnh tranh.