Kiot Pro đã trở thành cái tên mới nhất tham gia cuộc đua các ứng dụng hỗ trợ tạp hóa. “Nhờ dịch”, các ứng dụng “công nghệ tạp hóa” đã có bước tiến khả quan.
Theo thông tin ghi nhận, Công ty Cổ phần Phần mềm Citigo đã cho ra mắt nền tảng KiotPro. Đây là một nền tảng kết nối các nhà bán lẻ (ở đây là tạp hóa) với những nhà cung cấp, nhà sản xuất hàng hóa. Hay theo như đại diện Citigo chia sẻ, KiotPro không phải là cửa hàng sỉ online, mà chỉ là bên trung gian kết nối.
KiotPro ra đời để hỗ trợ các nhà bán lẻ, đặc biệt là “lính mới”, dễ dàng tiếp cận các nguồn hàng sỉ chất lượng, giá cả phải chăng,mà không cần phải thương lượng hoặc bỏ quá nhiều công sức để tìm mối. Ngoài ra, KiotPro cũng kết nối với các bên giao hàng để đảm nhận khâu chuyển hàng đến tay nhà bán lẻ.
Tại Việt Nam, những công nghệ hỗ trợ các tạp hóa như Kiot Pro đã nở rộ từ đầu năm ngoái. Không chỉ là startup, mà còn có rất nhiều ông lớn trong nước nhảy vào mảng này.
Chẳng hạn, đầu tháng 10 năm 2020, công ty One Distribution trực thuộc VinGroup đã ra mắt ứng dụng VinShop kết nối nhà cung ứng hàng hóa và chủ cửa hàng tạp hóa. VinShop hỗ trợ chủ tạp hóa đặt hàng qua ứng dụng, đặt nhiều mặt hàng và giao một lần duy nhất. Ngoài ra, VinShop còn kết nối với Techcombank để thực hiện hỗ trợ tài chính cho tạp hóa “mua trước trả sau”, hay gọi dân dã là “mua chịu”.
Trước đó, vào tháng 3/2020, nền tảng B2B GT Link cũng ra mắt thị trường, là công cụ kết nối nhà sản xuất, nhà cung cấp với các đơn vị bán lẻ; đồng thời hỗ trợ nhà bán lẻ quản lý doanh thu. Công ty này đã làm việc với hơn 600 nhà phân phối để thuyết phục những cửa hàng tạp hóa sử dụng dịch vụ của họ. Đặc biệt GT Link cũng tập trung khai thác mạnh thị trường nông thôn.
Hoặc FELIX store cũng là một nền tảng công nghệ mô hình tương tự GT Link và Vinshop. Ngoài ra, họ còn cung cấp hỗ trợ các tạp hóa thực hiện các dịch vụ trả tiền điện, nước, nhận hàng mua online, v.v..
Nhiều chuyên gia đánh giá, khi đại dịch chưa xảy ra, các ứng dụng rất khó khăn để thuyết phục tạp hóa sử dụng dịch vụ của mình. Bởi vì tại Việt Nam, tạp hóa có “quyền lực” rất lớn.
Về phần nguồn khách, theo thống kê của Nielsen năm 2018, 75% thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn nằm trong tay các chợ truyền thống và tạp hóa. Khách hàng thích mua hàng tại tạp hóa vì thuận tiện, giá cả lại rẻ hơn các cửa hàng tiện lợi.
Về phần nguồn hàng, các chủ tạp hóa không ngần ngại nhập hàng nhiều mối. Điều này còn khiến các đầu mối phải chăm sóc “tận răng” cho các tạp hóa, mang hàng đến tận nơi cho chủ tạp hóa chọn, thậm chí cho họ “mua chịu” thoải mái.
Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều trong đại dịch. Cụ thể, vì những biện pháp giãn cách xã hội, nguồn cung ứng hàng hóa chậm trễ, thậm chí gián đoạn. Khi đó, các tạp hóa sẽ cần một bên chuyên nghiệp, tích hợp nhiều nguồn hàng để giúp họ giải quyết bài toán này. Đơn cử như sau 1 năm, VinShop tiếp cận được hơn 80.000 cửa hàng tạp hóa. Tính trung bình mỗi ngày, 220 cửa tạp hóa “lên đời” công nghệ. Hiện VinShop đang cung ứng hơn 2.000 các mặt hàng trên ứng dụng tại 14 tỉnh thành phố.
Đây chính là thời cơ tốt để những ứng dụng tạp hóa trở nên “thân quen” hơn với chủ tạp hóa, thâm nhập sâu hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Quân Bảo