Xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ… từ Việt Nam vào một số thị trường lớn dự báo ngày càng khó khăn hơn.
Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu đang chịu tác động trực tiếp của suy thoái kinh tế khiến đơn hàng từ đầu năm đến nay bị sụt giảm. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ. Con số xuất khẩu của ngành dệt may là 18,9 tỷ USD, giảm 15,1%; của ngành giày dép là 11.7 tỷ USD, giảm 17,1%.
Trong khó khăn trước mắt, các ngành xuất khẩu chủ lực trên còn chuẩn bị thích ứng với thay đổi từ thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đó là những quy định mới về tiêu chuẩn xanh và kinh doanh tuần hoàn đang được các nước EU, Mỹ, Nhật Bản quan tâm. Ngoài những yêu cầu của khách hàng tại thị trường trên, chuyển đổi xanh cũng là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp nhằm góp phần hiện thực hóa cam kết Netzero vào năm 2050 của Việt Nam.
Trao đổi về quy định mới của EU với một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Trần Ngọc Quân – tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết: EU chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải cacbon, quyền sửa chữa và tái chế, luật chống phá rừng…
Cụ thể, với các sản phẩm da giày phải sử dụng vật liệu bền vững, có thể tái tạo, sửa chữa, chất thải từ ngành khác là nguyên liệu đầu vào sản xuất da… Với các sản phẩm dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền và quyền sửa chữa. Do đó, tất cả sản phẩm dệt may đưa vào châu Âu phải đáp ứng yêu cầu bền, sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường, có thể tái chế hoặc sửa chữa.
Theo ông Trần Ngọc Quân, các quy định trên, đáng lo ngại với doanh nghiệp Việt Nam là khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu.
Trước đó, tại diễn đàn về công nghiệp chế biến gỗ, ông Phạm Phí Ngọc Trai – Chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu (GIBC) cũng đề cập đến những đòi hỏi mới của thị trường châu Âu trong thời gian tới có thể tác động đến hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam. Đó là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EC có hiệu lực từ tháng 10 năm nay. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU có thể sẽ phải chịu thêm chi phí nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Từ thực tế trên, chuyển đổi xanh chính là con đường, là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì xuất khẩu và xây dựng hình ảnh là trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững.
Các chuyên gia vì thế khẳng định, phát triển kinh tế xanh không còn là sự lựa chọn mà trở thành luật chơi mới. Doanh nghiệp tuân thủ thực hiện càng sớm càng nhanh chóng hưởng lợi. Không còn là xu hướng nữa mà người tiêu dùng tại các nước phát triển như châu Âu, Anh, Mỹ đã chuyển sang tiêu dùng bền vững, sử dụng sản phẩm tái chế.
Thậm chí, tại một số nước như Anh chẳng hạn, đã có app điện thoại cho phép người tiêu dùng kiểm tra tỷ lệ tái chế, năng lượng tái tạo được sử dụng trên các sản phẩm may mặc. Căn cứ vào chỉ số được hiển thị, người tiêu dùng quyết định tiêu dùng.
Bài học đi trước trong chuyển đổi xanh của ngành dệt may tại Bangladesh cho thấy, dù khủng hoảng nhưng nếu bắt kịp xu thế, doanh nghiệp không bị mất quá nhiều đơn hàng. Chính vì thế, chuyển đổi xanh cần được doanh nghiệp Việt bắt tay thực hiện càng sớm càng tốt.
Hạnh Lê