Bất chấp nền kinh tế Trung Quốc còn nhiều bất ổn, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ tích cực hơn trong năm nay.
Trong nhiều năm, các công ty lớn nhất thế giới đã đổ bộ vào Trung Quốc nhờ sự hấp dẫn từ tầng lớp người tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, hậu quả từ các chính sách liên quan đến COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài đã khiến nền kinh tế quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trong khi các giám đốc điều hành Mỹ than thở về nhu cầu đối với một số sản phẩm tiêu dùng ở Trung Quốc suy giảm, thì việc từ bỏ thị trường này khó có thể sớm xảy ra.
Apple, Procter & Gamble và các công ty khác cho biết họ đang trên đà phục hồi kinh doanh ở Trung Quốc. “Chúng tôi đã ở Trung Quốc được 30 năm và tôi vẫn rất lạc quan về Trung Quốc trong dài hạn”, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook nói với các nhà phân tích hôm thứ Năm tuần trước.
Ông Jon Moeller, Giám đốc điều hành của công ty sản phẩm tiêu dùng P&G, cho biết những thách thức trên thị trường chỉ là tạm thời và doanh nghiệp của ông sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trong những năm tới.
“Sẽ có khoảng 200 triệu người tiêu dùng gia nhập vào nhóm thu nhập trung bình của Trung, một dấu hiệu được cho là đáng khích lệ. Do đó, cơ hội đầu tư lâu dài ở Trung Quốc vẫn còn lớn”, ông Moeller nhấn mạnh.
Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện nhiều giải pháp để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước. Họ đã thay đổi các quy định trong lĩnh vực bất động sản, “bơm” hơn 75 tỷ USD nhằm duy trì tính thanh khoản của thị trường vào tháng 12 năm ngoái và tìm cách vực dậy thị trường chứng khoán.
Capital Economics dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ ở mức dưới 4%, một phần do sự sụt giảm trong lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu này cũng kỳ vọng các biện pháp kích thích của chính phủ và việc tăng thêm chi tiêu hộ gia đình sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới.
Trong một cuộc khảo sát với hơn 300 thành viên được công bố gần đây, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc đã được cải thiện. Báo cáo cũng cho biết thêm sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư đã phục hồi sau khi giảm mạnh.
Khả năng người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh chi tiêu là điều mà các công ty phương Tây mong muốn, đặc biệt là những công ty bán sản phẩm cao cấp. Các nhà cung cấp đồ da đắt tiền và các mặt hàng xa xỉ khác đã mất nhiều năm thâm nhập vào Trung Quốc để thu hút những khách hàng giàu có tại đất nước tỷ dân.
Tháng trước, Giám đốc điều hành LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, Bernard Arnault, cho biết rằng so với năm 2019, số lượng khách hàng đến các cửa hàng của công ty này tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi, trong khi chi tiêu của người dân cho du lịch ở nước ngoài đang giảm xuống.
Tương tự, Mondelez International, nhà sản xuất Oreo, vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong lĩnh vực đồ ăn vặt. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp này đã nỗ lực giới thiệu sản phẩm của mình tại các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc và sau đó mở rộng ra nhiều cửa hàng với nhiều sản phẩm hơn.
Doanh nghiệp này cho biết, tăng trưởng doanh số bán hàng ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đã giúp nâng cao doanh thu của công ty trong quý 4/2023 và họ hy vọng đà tăng trưởng đó sẽ được tiếp tục duy trì.
Cẩm Anh