“Công nghệ số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 nhưng Việt Nam cần nhanh chóng phá bỏ các rào cản về pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số”.
Đây là nhận xét của bà Tenzin Dolma Norbhu – Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách công Đông Nam Á của Google Châu Á Thái Bình Dương tại hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”.
Số hoá – giải pháp tất yếu
Ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhận xét về tình hình phát triển kinh tế số của Việt Nam, ông Jacques Morisset – Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Kinh tế vi mô, thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, số hoá là cách tất yếu để tăng năng suất lao động và giúp cho nền kinh tế vận hành hiệu quả. Những năm gần đây tốc độ số hoá của Việt Nam rất nhanh. Trong đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp Việt đã tiến rất nhanh, có những bước nhảy vọt trong chuyển đổi số. Cụ thể, đã có 60% các doanh nghiệp hiện đang sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến, Chính phủ điện tử cũng đang cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến. Ngoài ra, năng lực hấp thụ các công nghệ mới của doanh nghiệp Việt rất tốt, Chính phủ cũng đã nỗ lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng về chuyển đổi số.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số như: Dân số trẻ, và khoảng hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Việt Nam cũng có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do AlphaBeta thực hiện đã chỉ ra, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng tương đương 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
“Chìa khoá” then chốt để kinh tế số phát triển
Nói về rào cản cần tháo gỡ để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, bà Tenzin Dolma Norbhu cho biết, năm 2019, Google có bản đánh giá và xác định 6 trở ngại của nền kinh tế số tại khu vực châu Á, trong đó có trở ngại về con người, tài năng, lòng tin, tiếp cận công nghệ và tiếp nhận kỹ thuật số. Đặc biệt, đến nay là năm 2021, vấn đề về con người vẫn đang là trở ngại lớn, điều này đặt ra bài toán về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo.
Ông Jacques Morisset cho rằng Việt Nam có tầng lớp doanh nghiệp tư nhân và dân số trẻ, năng động. Đây là “chìa khoá” để phát triển kinh tế số. Chính phủ cần tạo ra không gian để khối doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội tham gia vào chuyển đổi số. Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra giải pháp cho việc thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.
Trong một vài năm tới, cơ cấu thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi, khi công nghệ, nền tảng mới xuất hiện sẽ khiến một số ngành nghề biến mất nhưng cũng đồng thời tạo ra các công ăn việc làm mới. Chính vì vậy, bài toán đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với các công nghệ mới, đảm bảo tính linh hoạt, sẵn sàng chuyển sang các ngành nghề khác.
Lê Hà