Bất chấp những đánh giá không mấy tươi sáng về thị trường, hàng xa xỉ thể hiện sức bền đáng kinh ngạc khi liên tiếp thi nhau mở mặt bằng mới trong thời gian vừa qua, cả ở Việt Nam lẫn thế giới.
Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, thị trường hàng hóa xa xỉ tại Việt Nam đạt tổng doanh thu 957,22 triệu USD, chủ yếu đến từ các thương hiệu nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, thời trang, đồng hồ, trang sức, v.v.. Dự kiến trong năm 2024, tổng doanh thu lĩnh vực này tại Việt Nam đạt 992,20 triệu USD.
Các thông tin cho thấy trong quý 1 năm 2024, Việt Nam đón chào một số thương hiệu xa xỉ mới như Fendi, Cartier, Loewe, v.v.. Đối với thị trường xa xỉ, dù có sự chuyển dịch đáng kể sang bán hàng trực tuyến, dự kiến chiếm 8,6% tổng doanh thu năm 2024, song 90% còn lại vẫn đến từ các cửa hàng thực địa.
Do đó, các thương hiệu xa xỉ đang tích cực tìm mặt bằng để mở những cửa hàng ý tưởng và các cơ sở bán lẻ mang tính trải nghiệm. Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM, các thương hiệu xa xỉ hiện nay hầu hết đến muốn mở mặt bằng ở những quận trung tâm và đã có sẵn các thương hiệu xa xỉ khác để hưởng lợi từ hiệu ứng đám đông và thu hút khách hàng. Tuy nhiên nguồn cung mặt bằng bán lẻ phù hợp với tiêu chí này hiện không quá nhiều, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu.
Xu hướng các thương hiệu xa xỉ đổ xô tìm mặt bằng và xây dựng cửa hàng mới không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Tại Mỹ, các tin tức trong thời điểm tháng 9/2023 cho thấy những tập đoàn hàng xa xỉ dẫn đầu như LVMH, Kering và Richemont đã mở rộng thêm hơn 60.000m² không gian bán lẻ trong vòng 12 tháng qua.
Năm 2022, doanh số hàng xa xỉ ở Mỹ đạt 70 tỷ USD, chiếm 34% toàn cầu. LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior hay Loewe, mở thêm 108 cửa hàng mới ở Mỹ. Còn Kering mở thêm 100 cửa hàng mới cho các thương hiệu Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta và Balenciaga.
Xét về vị trí và quy mô cửa hàng, các thương hiệu xa xỉ ưu tiên những nơi có không gian rộng lớn và tại các thành phố ven biển phía đông và phía tây. Trung bình, các mặt bằng được thuê mới có diện tích khoảng 464m². Diện tích rộng như vậy cho phép các thương hiệu tạo nên những không gian được thiết kế đặc biệt, cao cấp nhằm tạo cảm giác sang trọng cho khách hàng, giúp khách hàng hòa mình vào giá trị thương hiệu.
Xu hướng mở cửa hàng mới vẫn còn đang tiếp tục. Nghiên cứu từ JLL cho thấy các thương hiệu xa xỉ đang tiếp tục tìm mặt bằng tại các vị trí đắc địa như New York, Los Angeles hoặc Miami.
Trong thời gian qua, New York đã chứng minh sức hút của mình, khi nhiều thương hiệu quay trở lại, hoặc đặt chân lần đầu, đến thành phố này. Chẳng hạn Hermes đã mở cửa hàng soái hạm tai Madison và Đường 63. Đây cũng là nơi chào đón các thương hiệu như Valentino, Lanvin và Van Cleef & Arpels trong năm 2022.
Hòa chung xu hướng này, các trung tâm thương mại đang nỗ lực để thu hút những thương hiệu xa xỉ thuê mặt bằng tại cơ sở của họ. Báo cáo từ JLL cho thấy trong năm 2022, có 38% các cửa hàng xa xỉ mới được xây dựng trong các trung tâm thương mại.
Tại Miami, Aventura Mall đã cải tạo và mở rộng nhằm mở rộng khu vực mặt bằng dành cho hàng xa xỉ của mình. Họ đã đón được các thương hiệu như Hermes, Louis Vuitton, Cartier, Ferragamo và Amiri.
Những thông tin và thống kê này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu xa xỉ tại Mỹ, đặc biệt qua việc liên tiếp mở rộng mặt bằng và ra mắt cửa hàng mới. Tuy nhiên tương tự Việt Nam, mặt bằng phù hợp với các tiêu chí và giá trị của những thương hiệu xa xỉ đang ngày càng khan hiếm. Điều này không chỉ khiến các thương hiệu phải giành giật mặt bằng và thuê với giá cao hơn, mà còn là rào cản với quá trình mở rộng hiện tại.
Như vậy là
Hiện tượng này là một minh chứng cho một lý thuyết kinh tế, nói rằng khi khủng hoảng kinh tế, hàng trung bình không bán được nhưng hàng xa xỉ lại vẫn đứng vững. Trong khi các công ty tiêu dùng nhanh phải dùng chiêu “thu nhỏ vì lạm phát”, thì riêng một mình hãng xa xỉ LVMH đã xuất khẩu bằng 1/25 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước Pháp.
Quân Bảo