Kinh tế Đức được dự báo có thể sẽ không tăng trưởng năm nay

Sau giai đoạn rất thành công từ năm 2012 – 2018, kinh tế Đức bắt đầu bộc lộ nhiều yếu kém với hàng loạt chỉ số không như mong muốn.

Danh hiệu “người bệnh” lần đầu tiên được sử dụng để mô tả nền kinh tế Đức vào năm 1998 khi đất nước này phải đương đầu với những thách thức tốn kém của nền kinh tế thời kỳ hậu thống nhất.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu tránh được suy thoái vào cuối năm 2023 nhưng đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước do phải vật lộn với chi phí năng lượng, lạm phát và lãi suất cao. Sản lượng sản xuất của Đức, không bao gồm xây dựng, giảm 2% vào năm 2023.

Dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Đức phải đối mặt với tình trạng suy thoái kéo dài, khi công ty nghiên cứu Capital Economics dự báo nước này sẽ không tăng trưởng vào năm 2024.

Berlin phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách vào cuối năm ngoái, sau khi tòa án hiến pháp phán quyết việc tái phân bổ các khoản nợ chưa sử dụng vi phạm các quy tắc tài chính của đất nước.

Sau các cuộc đàm phán, Đức đã đi đến một thỏa thuận ngân sách nhằm duy trì các hạn chế nợ cho đến năm 2024. Chính phủ đang đặt mục tiêu tiết kiệm 17 tỷ euro (18,51 tỷ USD) ngân sách bằng cách cắt giảm chi phí và chấm dứt các khoản trợ cấp gây biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo WEF Davos 2024 về triển vọng kinh tế toàn cầu hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Lindner nói: “Chúng tôi phải giải quyết các vấn đề nợ và thâm hụt, điều này khiến tôi trở thành Bộ trưởng cô đơn nhất trong nội các, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc giải quyết các vấn đề nợ của mình”.

Phải thừa nhận rằng lạm phát giảm gần đây giảm áp lực cho các hộ gia đình, nhưng đầu tư vào khu dân cư và kinh doanh có thể sẽ giảm, hoạt động xây dựng đang có xu hướng suy thoái mạnh và chính phủ đang thắt chặt chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ.

Trong lịch sử, Đức là quốc gia chuyển sang chế độ tư bản chậm hơn Anh, Pháp và Hà Lan, Tây Ban Nha. Nhưng lợi thế lớn nhất của quốc gia này là thừa hưởng nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga. Các tuyến đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt lớn nhất châu Âu đều xuất phát từ Nga đến Đức.

Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn ở Đức

Thịnh vượng ở nước Đức chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa – điều đó có nghĩa là không thể thiếu dầu mỏ và khí đốt. Có thể thấy sau khoảnh khắc cấm vận Nga, người Đức đã chật vật như thế nào. Thậm chí ông Lindner coi việc “cai” khí đốt Nga là trạng thái “bình thường mới”.

Giờ đây, kỷ nguyên năng lượng giá rẻ đã qua, giai đoạn cao điểm như cuối năm 2022 mỗi gia đình 4 người ở Đức phải trả thêm 120 euro cho khí đốt sưởi ấm, phí lưới điện sẽ tăng từ 3,12 cent/kWh vào năm 2023 lên 6,43 cent/kWh.

Đức, quốc gia phụ thuộc 40% nhu cầu khí đốt của Nga trước năm 2022, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc Nga cắt giảm nguồn cung đến 90%.

Về cơ cấu vĩ mô, chế tạo xe hơi, chế tạo máy, kỹ thuật điện, điện tử và công nghiệp hóa chất là những ngành quan trọng nhất của Đức, tạo ra 2,9 triệu việc làm và 800 tỷ euro, tương đương 1/5 GDP.

Riêng công nghiệp ô tô đang trải qua thời gian cực kỳ khó khăn, bao gồm giá năng lượng phục vụ sản xuất tăng cao, khủng hoảng chip, chuyển tiếp sang kỷ nguyên xe điện, bị “tấn công” bởi các diễn đàn như COP26, 27 và 28.