GDP

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Mặc dù triển vọng là khá tích cực song để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2021, nền kinh tế còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng…

Trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành, địa phương mới đây đã nhận định cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 94%) nên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, khu vực doanh nghiệp đang bị “bủa vây” bởi 8 vấn đề chính. Thứ nhất, đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của tất cả các doanh nghiệp đều giảm. Thứ hai, doanh thu doanh nghiệp giảm. Thứ ba, giá thành sản xuất hàng hóa tăng do chi phí đầu vào, chi phí lưu thông tăng trong khi giá bán hàng giảm. Thứ tư, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Thứ năm, khó khăn trong việc vay, trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi. Thứ sáu, khó khăn trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị. Thứ bảy, lưu thông hàng hóa khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa các tỉnh, thành phố do có sự kiểm soát không thống nhất giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Và thứ tám là khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do các điều kiện khắt khe, không hợp lý, quy định hướng dẫn còn chung chung và nhiều điểm chưa rõ ràng, bất cập.

dulich3

Ngành du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch Covid-19.

Vì vậy, trong bối cảnh này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng bên cạnh việc rà soát, sửa đổi một số quy định tại các chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận,  Bộ đề xuất Chính phủ kéo dài, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đến hết năm 2021.

“Cùng với đó, khẩn trương bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các chính sách thuế như miễn, giãn, hoãn, khoanh thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho các doanh nghiệp và xem xét tiếp cho năm 2021… Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp được hoãn đóng kinh phí công đoàn 2%, hoặc giảm 50% mức phí (còn 1%) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu kiến nghị.

Trong khi đó, để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, số người được tiêm chủng ở Việt Nam vẫn khá thấp. Điều này đặt ra thách thức trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Việt Nam.

Linh Nga