Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm…

Sản xuất công nghiệp tăng thấp

Do dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Có một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,2%…

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khai thác quặng kim loại tăng 25,4%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 19,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,6%…

Tại buổi họp đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới ngành công nghiệp mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất.

Riêng ngành điện, điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất.  Vì trong năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3/2020.

Tương tự, đa số các doanh nghiệp dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động…

Trong 2 tháng đầu năm 2020 có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019 và 11,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,1%. Đáng chú ý là trong 2 tháng có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn FDI giảm mạnh

Tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%).

Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.111,6 triệu USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 418,5 triệu USD, chiếm 8,4%;…

Dịch vụ vận tải, du lịch giảm sâu

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải giảm sâu so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã hạn chế vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách tháng Hai ước tính đạt 400,1 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 15,8% so với tháng trước và luân chuyển 19,8 tỷ lượt hành khách.km, giảm 14,4%.

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu 176 triệu USD

Mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng trong tháng 2/2020, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu hai tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng ước tính nhập siêu 176 triệu USD.

Hàng loạt giá cả giảm kéo theo CPI

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết; dịch COVID-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân hai tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Với kinh tế Việt Nam, những ảnh hưởng tới xuất khẩu, tới du lịch, chí ít là với thị trường rộng lớn Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề. Đấy mới chỉ là những ảnh hưởng bước đầu, dịch vẫn tiếp tục lan rộng, tác động tiêu cực còn nặng nề hơn.

Song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe của người dân”. Hiện nay, mọi biện pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh cũng đã được triển khai. Đây là những động thái quan trọng và cần thiết để không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người dân, mà còn là làm sao hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Sự chủ động lúc này là vô cùng cần thiết.

Cùng với đó, là xác định không lơ là mà luôn quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng… Đây là cách tốt nhất để kinh tế Việt Nam có thể đứng vững trước những bất ổn, rủi ro của kinh tế toàn cầu, kể cả là những tác động của dịch bệnh COVID-19….