Ong-Pha.m-Hong-Phong---Giam-oc-ieu-hanh-Oracle-Vietnam

Ông Phạm Hồng Phong, Giám đốc Điều hành của Oracle Vietnam.

Peter Drucker từng nói: “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai chính là tạo ra nó”.

Với các Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng (CXO) đang tìm cách điều hành các doanh nghiệp công nghệ trong năm 2022 và xa hơn nữa, đâu là những ưu tiên quan trọng mà họ cần lưu ý?

1. Việc đầu tư vào công nghệ điện toán đám mây sẽ cần mang lại sự chuyển đổi thực sự

Theo Statista, các doanh nghiệp trên toàn thế giới ước tính sẽ chi tới 1,78 nghìn tỷ đô la Mỹ vào điện toán đám mây và các sáng kiến khác về “chuyển đổi số” trong năm 2022.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu các doanh nghiệp và Chính phủ có đang đầu tư để thực sự mang lại thay đổi, hay họ chỉ đang thực hiện điều mà công ty nghiên cứu Forrester Research gọi là “ngang hàng về kỹ thuật số”.

Việc chuyển đổi sang nền tảng đám mây rất quan trọng. Trong khu vực tư nhân, với mỗi ngành ta lại thấy một hay nhiều doanh nghiệp “tay ngang” đã và đang tập trung vào điện toán đám mây để tạo ra những ảnh hưởng đột phá.

Có thể lấy Singtel, một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu châu Á, hiện đang hợp tác với Grab để cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ ở Singapore là một ví dụ điển hình. Chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hơn nữa những quan hệ hợp tác kỹ thuật số phi truyền thống như vậy trên nhiều lĩnh vực.

Chắc chắn rằng, trái ngọt sẽ đến với những doanh nghiệp coi điện toán đám mây là như là một công cụ giải phóng cũng như hỗ trợ công việc. Theo tập đoàn nghiên cứu Gartner, điện toán đám mây thật sự là công cụ “gia tăng sức mạnh” – một nền tảng công nghệ bền bỉ, có khả năng mở rộng cho sự đổi mới và phát triển lâu dài.

Càng ngày các doanh nghiệp càng nhận thấy rằng điện toán đám mây có thể giúp họ giải phóng nguồn nhân lực khỏi những công việc nhỏ nhặt, cho phép các kỹ thuật viên tập trung hơn vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số độc đáo để thật sự mang lại lợi nhuận. Ngoài ra, điện toán đám mây còn là một công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận hành dựa trên dữ liệu, mang những công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (ML) mới tới tay của những người hiểu và có thể mang đến sự thay đổi cho doanh nghiệp.

Bước vào năm 2022, chúng tôi hi vọng các hội đồng quản trị sẽ yêu cầu đội ngũ điều hành cung cấp thêm bằng chứng cho thấy các khoản đầu tư vào điện toán đám mây của họ đang đặt công ty của họ lên một vị thế cạnh tranh lâu dài.

 dientoandammay

 

2. Học máy (ML) và Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành tiềm lực cạnh tranh cốt lõi cho các doanh nghiệp kỹ thuật số hàng đầu.

Trước thực trạng hầu hết các doanh nghiệp đều đang “chìm ngập” trong dữ liệu, các thuật toán ML và AI như một chiếc phao cứu sinh giúp các doanh nghiệp phân tích và học hỏi từ những dữ liệu đó, cải thiện khả năng ra quyết định và thông báo cho một chuỗi các hành động tiếp theo.
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ đang bắt đầu hành trình thử nghiệm với ML/AI và việc tìm ra các kỹ năng cần thiết để vận hành thành thục các công cụ này quả thật là một thách thức không nhỏ.

Khi đa số các doanh nghiệp không có được các nhân sự đủ trình độ về khoa học dữ liệu, một giải pháp thay thế thực tế hơn đó chính là xây dựng đội ngũ Vận hành Học máy (MLOps) ở quy mô nhỏ hơn – nhưng tập trung hơn. Một nhóm MLOps cơ bản sẽ bao gồm các nhà khoa học dữ liệu, lập trình viên và những nhân sự IT khác để phát triển, duy trì và không ngừng cải tiến các mô hình ML/AI.

Báo cáo của Forrester cũng dự đoán rằng trong năm 2022, cứ mỗi 5 doanh nghiệp sẽ có một doanh nghiệp tích hợp Học máy (ML) và Trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống vận hành của họ.

3. Mọi người sẽ đánh giá công ty của bạn qua “lăng kính” phát triển bền vững.

Trước mỗi quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ hoặc tìm kiếm các nhà tuyển dụng tiềm năng, phần đông mọi người ngày nay thường nhìn vào những nỗ lực phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực chất cũng đang làm việc tương tự với các nhà cung cấp và đối tác – yêu cầu họ, cũng như chính doanh nghiệp của mình – tập trung áp dụng các sáng kiến phát triển bền vững khác nhau, trong đó bao gồm việc giảm lượng khí thải carbon.

Vào năm 2022, các doanh nghiệp sẽ gần như bắt buộc phải xây dựng và thực hiện một chiến lược phát triển bền vững toàn diện. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), việc hiện thực hoá điều này sẽ cần nhiều sự lãnh đạo mang tính tập trung hơn. Theo Forrester, trong Bảng xếp hạng 200 công ty của Fortune Global, 92% các doanh nghiệp ở khu vực Bắc Mỹ và 81% các doanh nghiệp tại khu vực EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) bổ nhiệm các nhân sự chịu trách nhiệm về phát triển bền vững ở cấp Phó Chủ tịch, Giám đốc hoặc các cấp Điều hành khác, trong khi tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thì con số này lại chỉ dừng ở mức 26%.

“Những nỗ lực phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi áp lực đến từ nhà đầu tư, thay vì nằm trong kế hoạch chiến lược và quản lý rủi ro,” Forrester cho biết. “Cách tiếp cận này sẽ không mang lại những tác động thật sự tới vấn đề biến đổi khí hậu mà chỉ có hiệu quả đánh lừa những khách hàng và đối tác coi trọng việc bảo vệ môi trường”.

4. Doanh nghiệp sẽ phải có cách tiếp cận khác cho hoạt động tuyển dụng và phát triển lộ trình nghề nghiệp của nhân sự.

Việc tuyển dụng và sau đó là giữ chân những nhân lực có chuyên môn cao tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các CXO. Tuy nhiên, tình trạng nghỉ việc quy mô lớn được dấy lên bởi đại dịch toàn cầu đã chỉ ra rằng, trong năm 2022, các doanh nghiệp sẽ cần chủ động hơn trong việc xây dựng lộ trình phát triển cho nhân viên, lắng nghe những vấn đề mà nhân viên của họ đang gặp phải, chẳng hạn như việc làm sao để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cho phép họ linh hoạt địa điểm làm việc nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Theo Báo cáo AI@Work năm 2021 của Oracle và Workplace Intelligence, đại dịch đã khiến nhiều nhân viên cảm thấy “bế tắc” và thúc đẩy họ suy nghĩ lại về tương lai của mình. Kết quả cho thấy, 83% số người tham gia khảo sát đang muốn thay đổi nghề nghiệp trong năm tới; 85% không hài lòng với sự hỗ trợ trong công việc của cấp trên và 87% cho rằng các nhà quản lý nên lắng nghe nhu cầu của nhân viên nhiều hơn. Ngoài ra, 88% số người được hỏi cũng cho biết đại dịch đã khiến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sức khỏe tinh thần cũng như sự linh động trong công việc trở thành những ưu tiên lớn hơn với họ.

Người lao động hiện nay đang có nhiều ưu tiên khác so với thời gian trước đại dịch và các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến những mối ưu tiên đó để có hình dung chính xác hơn về môi trường làm việc sau đại dịch.

5. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ không ngừng tiếp diễn và trở thành điều “không bao giờ bình thường”.

Đại dịch tiếp tục buộc các nhà hoạch định chuỗi cung ứng phải đánh giá lại các ưu tiên của họ và cách họ áp dụng các công nghệ Quản lý Chuỗi cung ứng (SCM) mới nhất, vì “không bao giờ bình thường” đã trở thành bình thường mới.

Ví dụ – nếu như trước đại dịch, sản xuất “tức thời” (just-in-time) được đánh giá là phương pháp tối ưu nhất, thì giờ đây “tồn kho an toàn” (safety stock) – hay còn được gọi là quản lý hàng tồn kho “dự phòng” (just-in-case) – mới được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh bình thường mới.

Dù ngay cả những công nghệ chuỗi cung ứng phức tạp nhất cũng không thể lường trước mức độ ảnh hưởng của các cú sốc thị trường như đại dịch toàn cầu, những phương pháp này vẫn có thể giúp các công ty tính toán lượng tồn kho an toàn phù hợp.

Khi hành vi mua hàng của mọi người đang chuyển dịch từ hình thức trực tiếp qua hình thức trực tuyến, các doanh nghiệp sẽ cần nhanh chóng xác định và phản ứng kịp thời với những thay đổi đó, cũng như lên kế hoạch cho những “hiệu ứng gợn sóng” tại các nhà máy, trung tâm dữ liệu và chuỗi cung ứng mở rộng của họ.

, Giám đốc Điều hành của Oracle Vietnam