Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, từ ngày 23/4, ngoài đường bay Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, các hãng được khai thác trở lại các đường bay nội địa khác với tần suất hạn chế.
Trong hôm nay (ngày 22/4), Chính phủ dự kiến sẽ “chốt lại” về việc thực hiện giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, trong đó, sẽ bao gồm các chính sách về vận tải hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị về việc khai thác các đường bay nội địa từ sau ngày 22/4.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi đánh giá nhu cầu của nhân dân, trên cơ sở đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và theo tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống đã triển khai, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT kế hoạch tăng khai thác các đường bay nội địa giai đoạn từ ngày 23/4 đến ngày 30/4.
Theo đó, đường bay TP Hồ Chí Minh-Hà Nội sẽ tăng khai thác lên 20 chuyến mỗi ngày được phân bổ theo mức 6 chuyến/ngày cho Vietnam Airlines, 6 chuyến/ngày cho Vietjet Air, 4 chuyến/ngày cho Bamboo Airways và 4 chuyến/ngày cho Jetstar Pacific Airlines.
Các đường bay Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng và ngược lại, Vietnam Airlines và Vietjet Air được phân bổ mỗi hãng 3 chuyến/đường bay/ngày. Bamboo Airways và Jetstar Pacific được phân bổ khai thác 2 chuyến/đường bay/ngày.
Với đường bay từ Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh đi các địa phương khác các hãng hàng không được phép khai thác 1 chuyến/đường bay/ngày.
Riêng đường bay TP Hồ Chí Minh-Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và ngược lại sẽ là 4 chuyến/ngày. Các đường bay giữa các địa phương khác được Cục Hàng không đề xuất khai thác ở mức mỗi hãng 1 chuyến/ngày.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Các hãng hàng không phải duy trì triển khai và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch như kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay, yêu cầu khai báo sức khỏe trực tuyến trước chuyến bay, từ chối vận chuyển hành khách có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19, và bố trí chỗ ngồi giãn cách trên máy bay theo quy định.
Tổ bay gồm phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật… trên tất cả chuyến bay đều được trang bị đồ bảo hộ y tế. Hành khách đi máy bay trong thời gian này được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay.
Trước đó, từ ngày 1/4, thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hàng không đã tạm dừng khai thác tất cả các đường bay nội địa, chỉ duy trì trên 3 đường bay chính từ Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng và Hà Nội đi TP.HCM với tần suất tối thiểu.
Trong giai đoạn 16-22/4, Vietnam Airlines, Vietjet Air khai thác đường bay giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/ngày. Từ ngày 19/4-22/4, Bamboo Airways mới tăng khai thác lên 2 chuyến bay mỗi ngày trên hành trình khứ hồi Hà Nội-TP Hồ Chí Minh. Các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn được Vietnam Airlines, Vietjet Air duy trì khai thác một chuyến/ngày.
Trên thực tế, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến ngành hàng không, đặc biệt cùng với yêu cầu dừng bay quốc tế là lệnh khai thác giới hạn trục bay nội địa, hàng trăm máy bay nằm “đắp chiếu” và các hãng hàng không đang đứng trước nỗi lo nguy cơ phá sản.
Theo dự báo giữa tháng 3/2020 của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ gia tăng thêm nhiều lần khi có quyết định dừng nhiều đường bay nội địa, đặc biệt cắt giảm tần suất trục Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh để phòng chống dịch COVID-19.
Hiện tại, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có hàng trăm máy bay nằm trên sân đỗ, thậm chí phải tận dụng mọi vị trí có thể để xếp máy bay, cả trong khu vực xưởng sửa chữa hay cả trên đường lăn.
Dù đã dừng bay nhưng gánh nặng chi phí mà mỗi hãng hàng không vẫn phải chi trả cả nghìn tỷ đồng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, bãi đỗ…
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến hãng phải giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Chưa kể, khoảng 10.000 nhân viên của Vietnam Airlines sẽ phải ngừng việc. Trong số này, nhiều nhất là phi công và tiếp viên.
Ngoài chi phí thuê máy bay (hoặc trả lãi vay), các hãng hàng không còn phải trả hơn 10 tỷ đồng cho tiền bãi đỗ tại sân bay. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Đánh giá về tác động của dịch COVID-19 đến ngành hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, khi dừng khai thác mạng bay quốc tế, ngành hàng không trông chờ vào thị trường nội địa, tuy nhiên sau lệnh hạn chế tối đa tần suất khai thác bay nội địa, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày đã dẫn đến các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.
Theo ông Thắng, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến ngành hàng không không thể đưa ra các dự báo về sản lượng khai thác hay đánh giá được tăng trưởng trong năm 2020. Vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết, thậm chí có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các hãng hàng không chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.