Olympic1

Mang sức mạnh tinh thần lớn lao, nhà vô địch thế giới 7 môn phối hợp Katarina Johnson-Thompson gục ngã trên đường chạy 200m, nhưng từ chối chăm sóc y tế để tập tễnh về đích tại Olympic Tokyo 2020.

Chuyên gia Bernard Dewamme, huấn luyện viên điều hành hoạt động doanh nghiệp của Tập đoàn Mentally Fit Global đã có những nghiên cứu, đúc kết rằng hoạt động huấn luyện thể thao Olympic có thể áp dụng để thúc đẩy năng lượng của doanh nghiệp. Đặt trong bối cảnh xã hội thời COVID, rõ ràng việc chiến thắng để giành lấy năng lượng tích cực cho doanh nghiệp cũng nhiều thách thức không kém so với cạnh tranh chiến thắng đối thủ của các vận động viên trong Olympic.

Quản trị sức khỏe thể chất

Đây là khái niệm khá mới nhưng quan trọng trong bối cảnh đại dịch. Đáng tiếc, các doanh nghiệp Việt chưa có nhiều kinh nghiệm đối với vấn đề này. Một số doanh nghiệp coi đó là trách nhiệm cá nhân của mỗi nhân viên phải đảm bảo đủ sức khỏe để làm việc. Đã có những doanh nghiệp lớn tổ chức các giải thể thao trước khi dịch lan rộng, hỗ trợ lập tủ thuốc, tăng cường nhận thức về cách phòng chống dịch cho nhân viên… nhưng đó là những hoạt động ít ỏi chưa được nâng lên tầm quản trị.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã có những chiến lược tốt hơn. Ông Nishikawa Satoshi, Giám đốc miền Bắc Công ty Aeon Việt Nam chia sẻ: Các doanh nghiệp Nhật có nhiều phương pháp giúp nhân viên rèn luyện sức khỏe. Theo truyền thống, mỗi buổi sáng toàn bộ công ty đều tập thể thao chung trước khi bắt đầu làm việc. Khi không có dịch, giải thể thao nội bộ hoặc giao lưu với các doanh nghiệp cũng thường xuyên được tổ chức. Mùa dịch, hoạt động thể thao chuyển thành thể thao tại chỗ, 15 phút vận động tại chỗ mỗi ngày.

Bên cạnh các biện pháp của doanh nghiệp Nhật, các lãnh đạo doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều biện pháp khác thay vì để nhân viên “phải chịu trách nhiệm với sức khỏe của chính mình”. Chẳng hạn như cung cấp thông tin về dinh dưỡng, tổ chức các cuộc thi nhỏ như video thể dục tại chỗ, lập các đội nhóm thể dục online như yoga, gym tại nhà…, hỗ trợ cung cấp thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho nhân viên và gia đình để họ không phải đến nơi đông người mua đồ…

Có sức khỏe thể chất, các nhân viên mới có thể tập trung làm việc, nâng cao năng suất lao động, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực trong doanh nghiệp.

Nâng cao sức khỏe tinh thần

Tuy ít được nhắc tới, nhưng giữa đại dịch, sức khỏe tinh thần của nhân viên cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Nuôi dưỡng một tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, khỏe khoắn, dám đương đầu, là doanh nghiệp đã nuôi dưỡng được nguồn năng lượng dồi dào để vượt lên những khó khăn, chinh phục những tầm cao mới.

Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Bitis, chia sẻ trong một slogan nội bộ quan trọng của Bitis: “Môi trường làm việc hạnh phúc và hiệu quả”. Hạnh phúc còn được đặt lên trên cả hiệu quả, bởi theo lãnh đạo Bitis, nhân viên có hạnh phúc thì mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và từ đó các chương trình, các chiến lược quản trị của Bitis đều xoay quanh việc giúp nhân viên hạnh phúc. Giai đoạn dịch này, Bitis thực hiện chiến lược “Cùng nhau” – cùng nhau đối mặt với khó khăn, cùng nhau tìm giải pháp và cùng nhau hạnh phúc.

Tại VPBank, một số chương trình được thực hiện để cán bộ nhân viên không ai cảm thấy cô đơn và nếu có khó khăn, sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Bản tin nội bộ của ngân hàng này mỗi ngày đều chia sẻ một câu chuyện, một tấm gương để khuyến khích tinh thần vượt khó của nhân viên.

Các doanh nghiệp đều đang nỗ lực tạo ra một liều “vaccine” bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên. “Liều vaccine” này, kết hợp với “viên thuốc đặc trị” là chiến lược kinh doanh phù hợp, sẽ giúp các doanh nghiệp vững vàng vượt qua mọi thử thách để tiến về phía trước.

Cáp Tần