Tôi vừa trải qua bữa trưa với một người bạn. Chúng tôi rất thân với nhau mặc cho khoảng cách tuổi tác. Bạn ấy nhỏ hơn tôi gần hai chục tuổi. Cuộc trò chuyện kéo dài vài giờ.

Cuộc trò chuyện chuyển sang một bước ngoặt khi bạn ấy nói: “Anh ạ, em chỉ muốn buông bỏ công việc”. Hay nói cách khác: bạn ấy không còn muốn kiếm tiền. Với bạn ấy, công việc chỉ đem lại tiền, khô khốc, mà không đem lại những niềm vui mà bạn ấy khát khao. Mà bạn ấy khát khao những giá trị tinh thần khác, những thứ mà theo bạn ấy tiền khó có thể mua được.

Với tôi, có thể bạn ấy đang suy nghĩ sai hướng. Công việc có thể đem lại những giá trị tinh thần mạnh mẽ ngoài vật chất. Công việc có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc đích thực.

Bạn có nhận thấy nhiều người trong doanh nghiệp của mình cũng giống như người bạn của tôi: thiếu sức sống, mệt mỏi, kiệt sức, căng thẳng và thậm chí trầm cảm, đang muốn buông bỏ? Hiện trạng này đang chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổ chức của bạn?

Có thể doanh nghiệp của bạn chưa nhận ra có những “mỏ vàng” đã ẩn chứa sẵn ngay trong từng công việc, từng nhiệm vụ. Nhận ra nó, bạn có thể kích hoạt và khai thác nó để biến từng công việc thêm nhiều ý nghĩa, những thành tích đem lại giá trị vượt trội, trở thành niềm vui, niềm tự hào, và những mối quan hệ ngày càng gắn kết.

Có rất nhiều góc nhìn mới khác biệt như vậy. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chi a sẻ 5 góc nhìn ít ai chú ý: kiến tạo, tiến bộ, phát triển, tăng trưởng, và để lại di sản.

Kiến tạo trong công việc, là kết quả khi chúng ta tham gia thiết kế, xây dựng và đưa một điều gì đó vào cuộc sống. Từ không đến một, giống như tựa cuốn sách của Peter Thiel. Khi bạn kiến tạo, dù bất kể bạn đang làm gì, dường như bạn giống một kiến trúc sư, biến một khu đất trống thành căn nhà đẹp đẽ cho một gia đình để họ xây tổ ấm, hay hẳn một khu đô thị cho hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn gia đình. Không cần làm những điều vĩ đại, bạn có thể thiết kế một bài trình bày kiểu mới, một báo cáo kiểu mới, một mục tiêu mới kèm chiến lược, kế hoạch mới, hay là đơn giản một tài liệu được trình bày kiểu mới, một hướng dẫn kiểu mới… Làm gì cũng vậy, đều là kết quả của việc bạn tư duy, nỗ lực và sắp xếp các ý tưởng với nỗ lực đem lại giá trị. Vậy bạn sẽ lựa chọn kiến tạo điều gì?

minh-hoa2

Tiến bộ trong năng lực, là khi chúng ta vượt qua chính mình trong công việc của mình đang làm, ở một khía cạnh nào đó. Chúng ta thực hiện được những điều trước đây mình nghĩ mình không làm nổi. Chúng tôi khám phá ra rằng, mọi người đều có thể tiến bộ chỉ trong vòng 1-2 giờ, tiến bộ hàng ngày nếu họ biết cách khám phá, học tập, rèn luyện một điều nhỏ, cụ thể trong công việc. Nói cho cùng, khi bạn tiến bộ, bạn sẽ được giao kiến tạo những điều lớn lao hơn. Khi bạn kiến tạo những điều mới mẻ, bạn tiến bộ. Niềm vui nhân lên gấp nhiều lần. Vậy bạn sẽ lựa chọn tiến bộ như thế nào?

Phát triển trong các mối quan hệ, là khi chúng ta có thêm những mối quan hệ mới và chủ động xây dựng được những mối quan hệ cũ trở nên sâu sắc hơn. Trong một chia sẻ từ TED, Robert Waldinger, Giám đốc Phát triển Người trưởng thành, kết quả nghiên cứu kéo dài 75 năm từ Harvard đã chỉ rõ: Những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. Trong công việc, bạn có thể có những mối quan hệ rất tệ hại hoặc rất tuyệt vời. Dĩ nhiên, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn tương tác với những người khác. Nhưng một khi bạn có thể tiến bộ chỉ sau vài giờ, việc phát triển các mối quan hệ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Muốn đi nhanh thì đi cùng nhau, muốn đi xa càng phải đi cùng nhau. Vậy bạn sẽ phát triển mối quan hệ với những ai?

quy-trinh-to-chuc

Những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc hơn và nhiều năng lượng tích cực hơn.

Tăng trưởng về sức ảnh hưởng, là khi chúng ta gia tăng sức ảnh hưởng tới những đối tượng quan trọng của mình. Đó có thể là khách hàng, là đồng nghiệp, là cấp trên, hay đối tác. Việc phát triển mối quan hệ vì thế sẽ giúp bạn tăng trưởng sức ảnh hưởng của mình và càng dễ kiến tạo những điều tuyệt vời hơn khi bạn đã tiến bộ. Sức ảnh hưởng của bạn đến từ việc bạn tiến bộ, phát triển và qua những kiến tạo đem lại giá trị đích thực. Vậy bạn đo lường sức ảnh hưởng của mình như thế nào?

Để lại di sản, là những kiến tạo mà chúng ta hiện thực hóa có sức sống lâu dài, tác động đến nhiều người, giúp đem lại những giá trị vượt trội ngay cả khi chúng ta không còn ở đó. Bạn có thể để lại một đội nhóm mạnh mẽ, một bộ tài liệu huấn luyện đỉnh cao, hay một phương thức tiếp cận “đốn tim” khách hàng… Di sản là một kiến tạo đặc biệt, có sức sống vượt ra khỏi tác động trực tiếp của bạn. Khi nhìn lại những di sản mình để lại, nếu có, chắc chắn bạn sẽ tự hào với những gì mình đã cống hiến, những khó khăn mà bạn đã vượt qua, những mối quan hệ sâu sắc mà bạn đã có được khi thực hiện, và bạn tự hào với con người bạn đã trở thành. Một phiên bản hoàn toàn khác biệt so với trước. Vậy bạn đã và đang tạo ra những di sản gì trong công việc?

Còn nhiều điều, nhiều góc nhìn có thể giúp bạn hạnh phúc hơn trong công việc. Tôi mong rằng bạn sẽ không ngừng khám phá những tri thức mới. Tôi cũng mong bạn không ngừng kiến tạo, tiến bộ, phát triển, tăng trưởng và thực sự để lại nhiều di sản.

– Founder Missionizer